Hiện đại hoá giải quyết thủ tục hành chính 

Trước đây để đăng ký giấy phép kinh doanh, anh Quang Hải (xã Đồng Lâm, TP. Hạ Long) phải đi xe máy mất khoảng 30 phút từ xã xuống Trung tâm Hành chính công TP. Hạ Long làm thủ tục... Tuy nhiên từ khi Trung tâm thực hiện tiếp nhận, giải quyết theo hình thức 5 bước trên môi trường điện tử, thanh toán các dịch vụ công không dùng tiền mặt trong thủ tục hành chính (TTHC), anh Hải có thể thực hiện toàn bộ quy trình qua Internet ngay tại nhà.

“Việc nộp hồ sơ và các loại phí đều thực hiện trên môi trường mạng mà không cần đến trực tiếp Trung tâm Hành chính công TP. Hạ Long, tôi thấy rất tiện lợi, vừa giảm thời gian, công sức đi lại, vừa tiết kiệm chi phí”, anh Hải chia sẻ.

Thời gian qua, TP. Hạ Long tích cực cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như số hoá điện tử dữ liệu hồ sơ TTHC; đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử; tuyên truyền, hướng dẫn người dân lập tài khoản và cách nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh thực hiện giao dịch thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt qua hình thức máy POS, thanh toán trực tuyến, banking…

halong2.jpg
Trung tâm Hành chính công TP. Hạ Long 

Hiện Trung tâm Hành chính công thành phố đã có 18.581 hồ sơ trực tuyến, đạt 99,6%, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, số hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến gần 51.100 hồ sơ, đạt 99,5%, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Hạ Long, 100% người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường sử dụng chữ ký số, xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử.

Trung tâm Hành chính công TP. Hạ Long cũng đã phối hợp với VNPT, Viettel Quảng Ninh cấp miễn phí chữ ký số cho người dân với 980 chữ ký số mới.

Số hoá mọi lĩnh vực

Hiện đại hoá giải quyết TTHC là một trong các bước tiến nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số ở trục chính quyền số tại TP. Hạ Long. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP. Hạ Long đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trục: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Ở trục kinh tế số, thành phố đã đưa 65/65 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Tỷ lệ khai thuế và nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp, tổ chức đạt 99-100%. Tỷ lệ hồ sơ hoàn thuế bằng phương thức điện tử đạt 100%. Việc triển khai nộp thuế điện tử đối với cá nhân trên thiết bị di động (eTax Mobile ngành Thuế) trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 62,1 tỷ đồng.

Các nhà mạng viễn thông và các đơn vị điện, nước đã đưa hợp đồng điện tử vào thực hiện giao dịch. Các trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn thành phố triển khai mạnh mẽ việc thanh toán không dùng tiền mặt. Số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm tăng thêm 2.727 điểm; trong đó số lượng các điểm thanh toán không dùng tiền mặt ở thôn, bản là 430 điểm. Mô hình chợ 4.0 được triển khai rộng khắp.

halong3.jpg

Những kết quả chuyển đổi số ở trục xã hội số cũng cho thấy sự nỗ lực rất lớn của TP. Hạ Long với tỷ lệ khu dân cư tập trung có kết nối Internet băng rộng cố định đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 87%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95%.

Hiện Bệnh viện Đa khoa Hạ Long đang triển khai thí điểm bệnh án điện tử; 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp. 45% người dân có sổ sức khỏe điện tử được đưa vào sử dụng trong khám chữa bệnh; 41,6% người dân trưởng thành sử dụng nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

Bên cạnh đó, toàn thành phố đã kiện toàn, duy trì hoạt động hiệu quả 243/243 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 2.584 thành viên. Các nhóm zalo cộng đồng đã được thành lập tới tận các hộ dân nhằm cung cấp thông tin về chuyển đổi số, giúp người dân dễ tiếp cận, áp dụng.

Được biết, để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn, TP. Hạ Long đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: tăng cường tập huấn kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ công chức viên chức; đẩy mạnh số hoá và sử dụng dữ liệu của các đơn vị;  hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số; đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn…

N.H