Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tới nay, thành phố đã trải qua 2 chặng đường lớn xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM kiểu mẫu.

Hết năm 2023, Hải Phòng có 7/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 2 huyện so với năm 2022; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (137/137 xã). Trong năm 2023, thành phố công nhận 39 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 84/137 xã. Đồng thời, công nhận 26 xã đạt chuẩn NTMKM, nâng tổng số lên 48/137 xã đạt chuẩn NTMKM…

W-haiphong2024.png
Đường nông thôn được đầu tư nâng cấp

Điểm đáng chú ý nhất là Hải Phòng luôn ưu tiên dành nguồn lực ngân sách cho chương trình với tổng kinh phí trong giai đoạn vừa qua lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2023, ngân sách thành phố dành hơn 3300 tỷ đồng cho chương trình, trong đó có 3279 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, chiếm 14% tổng vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố và 23,5 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. Ngoài ra còn có nguồn vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình, dự án khác hơn 3800 tỷ đồng; vốn tín dụng 12.000 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 159 tỷ đồng; vốn tự nguyện đóng góp của người dân và cộng đồng 2759 tỷ đồng… Mỗi xã NTMKM được thành phố đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực sự là cú hích quan trọng, là nền tảng cơ bản để nông thôn Hải Phòng bứt phá đi lên, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Cùng với đó, người dân chung sức, đồng lòng xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu bằng việc tích cực hiến đất để làm các công trình. Ở một số địa phương, để làm các công trình nông thôn khang trang, rộng mở, có những người dân hai lần hiến đất xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu, luôn vui và tự hào vì sự đóng góp của gia đình góp phần làm đẹp thêm cho xóm thôn, để mỗi người dân đều được thụ hưởng lợi ích từ các công trình mới.

Mục tiêu xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu ở Hải Phòng không chỉ là đem đến các công trình mới để người dân được hưởng phúc lợi từ sự phát triển, mà còn tiếp thêm động lực để nông thôn ngày mới phải giàu mạnh hơn bằng chính nội lực của nông dân. Vì vậy, cùng việc đầu tư hạ tầng NTM, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng được quan tâm.

Các công trình hạ tầng kinh tế xã hội sau đầu tư đã từng bước định hình diện mạo khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, tiệm cận với đô thị. Cụ thể, các tuyến đường đã được chỉnh trang, thảm nhựa rộng 3,5m, 5,5m, 7m, 9m, bố trí điện chiếu sáng, trồng cây xanh, bố trí vỉa hè (loại đường 7m, 9m)... Cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa đã được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Toàn thành phố có 473 vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện, với tổng diện tích 7.390 ha. Về cơ bản các vùng đã được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo thuận tiện cho quá trình sản xuất, giao thương hàng hóa trong vùng và 62 vùng được cấp mã số vùng trồng và có ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, tiêu biểu như: sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học.... Có 144 sản phẩm được công nhận đạt OCOP thuộc địa bàn nông thôn...

Cùng với cơ chế, chính sách đầu tư cho hạ tầng, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp ngành Nông nghiệp và nguồn đầu tư NTM kiểu mẫu, hằng năm, tại các địa phương, nông dân tích tụ sản xuất lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đủ điều kiện theo quy định được thành phố đầu tư, hỗ trợ kinh phí. Đó là sự động viên, khích lệ kịp thời để bà con yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng NTM kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp.