1. Quận nào được đặt theo tên một cuộc khởi nghĩa hưởng ứng chiếu Cần Vương?

  • Hải Châu (Đà Nẵng)
  • Ngô Quyền (Hải Phòng)
  • Ninh Kiều (Cần Thơ)
  • Ba Đình (Hà Nội)
Chính xác

Quận Ba Đình (Hà Nội) được đặt tên theo cuộc khởi nghĩa Ba Đình, thuộc phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX của nhân dân Việt Nam. Đây là cuộc khởi nghĩa diễn ra vào giai đoạn 1886 – 1887 tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, dưới sự chỉ huy chính của Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt và một số tướng lĩnh khác.

Lợi dụng địa hình tách biệt của Ba Đình vào mùa mưa, nghĩa quân cho xây dựng đồn lũy, trồng tre gai dày đặc, tích trữ lương thực, phát triển chiến khu. Từ địa điểm này, các nghĩa binh thâm nhập khu vực xung quanh để phục kích, tập kích quân Pháp, khiến chúng chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp khi Pháp tập trung lượng lớn lính cùng vũ khí hỏa lực mạnh để vây đánh.  

2. Thành phố nào có nhiều quận nhất cả nước?

  • Hà Nội
  • Hải Phòng
  • Đà Nẵng
  • TP.HCM
Chính xác

Hiện TP.HCM có 16 quận, nhiều nhất cả nước, xếp sau là Hà Nội (12 quận), Hải Phòng (7 quận), Đà Nẵng (6 quận), Cần Thơ (5 quận).

Ngoài ra, TP.HCM còn có 1 thành phố và 5 huyện, trong đó thành phố Thủ Đức được thành lập vào tháng 12/2020, trên cơ sở sát nhập toàn bộ diện tích quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

3. Quận nào có diện tích lớn nhất cả nước?

  • Ô Môn (Cần Thơ)
  • Quận 4 (TP.HCM)
  • Đống Đa (Hà Nội)
  • Lê Chân (Hải Phòng)
Chính xác

Ô Môn (Cần Thơ) là quận có diện tích lớn nhất số các quận của cả nước với khoảng 130km2, gấp 31 lần diện tích quận nhỏ nhất là quận 4 (TP.HCM).

Tiền thân là một huyện nông nghiệp, những năm gần đây, địa phương này đã và đang phát triển thành một quận công nghiệp, đô thị công nghệ cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của quận lớn nhất Việt Nam này là 116 triệu đồng/người/năm, tăng 15 lần so với năm 2004.

Tầm nhìn đến năm 2045, Ô Môn phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ chất lượng cao, đô thị hiện đại của Cần Thơ và của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

4. Huyện nào của Hà Nội được tách thành hai quận?

  • Gia Lâm
  • Thanh Trì
  • Từ Liêm
  • Sóc Sơn
Chính xác

Huyện Từ Liêm được thành lập năm 1961 trên cơ sở quận 5, quận 6 và một số xã của huyện Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Tây cũ). Ngày 27/12/2013, huyện Từ Liêm được chia thành hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm với 23 phường. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm có diện tích 43,35km2, gồm 13 phường trực thuộc; quận Nam Từ Liêm có diện tích 32,27km2, gồm 10 phường trực thuộc.

5. Quận nào đông dân nhất cả nước?

  • Bình Tân (TP.HCM)
  • Hoàng Mai (Hà Nội)
  • Ninh Kiều (Cần Thơ)
  • Gò Vấp (TP.HCM)
Chính xác

Bình Tân (TP.HCM) là quận đông dân nhất trong tất cả các quận trên cả nước với khoảng 800.000 dân. Khi mới thành lập vào năm 2003, quận có khoảng 254.000 người và đã tăng lên đến 3 lần sau 19 năm.

Hiện dân số của quận bằng tỉnh Bắc Kạn và Lai Châu cộng lại. Đây cũng là một trong hai quận có diện tích lớn nhất TP.HCM. Nơi đây tập trung nhiều khu công nghiệp, thu hút đông đảo người dân từ các tỉnh Nam Bộ đến làm việc.

Ở Hà Nội, quận có dân số đông nhất là Hoàng Mai; ở Hải Phòng là quận Lê Chân; ở Đà Nẵng là quận Hải Châu; ở Cần Thơ là quận Ninh Kiều.