Bão số 4 đang di chuyển nhanh hướng vào đất liền. Hiện một số tỉnh miền Trung đã có mưa lớn ở nhiều nơi. Hình ảnh tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) lúc 15h, gió càng lúc càng mạnh dần.
Các hộ dân ven biển hoặc những người sinh sống trong các ngôi nhà không kiên cố đã được chính quyền đưa đi di tản. Loa thông báo liên tục được phát để khuyến cáo người dân ở yên tại nơi cư trú.
Từ sáng nay, ông Phạm Khắc Lam đã giúp được 5 hộ dân chằng chống nhà cửa. 14h30, ông vẫn chạy nước rút trước khi cơn bão Noru đổ bộ. "Vì quen tay làm, mấy năm nay cứ tới mùa mưa bão, chằng chống cho nhà mình xong tôi lại tranh thủ đi giúp đỡ bà con, được tới đâu hay tới đó. Chút nữa xong việc, tôi cũng về nhà sớm trước khi mưa gió lớn ập tới để đảm bảo an toàn cho bản thân", ông Lam nói.
Gia đình chị Đặng Thị Khánh Ly đã hoàn tất việc chằng chống nhà cửa từ hôm qua. Chị thấp thỏm cập nhật tin tức về cơn bão để chủ động ứng phó khi cần thiết.
Bà Hoàng Lan (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ: “Thấy bão lớn cũng lo, năm 2020 gió mạnh làm bay mất mái che của gia đình, còn năm nay tôi đã hạ nó xuống. Bây giờ cố gắng gia cố thật chắc chắn cửa. Việc chằng chống đến nay đã hoàn tất nên tôi cũng yên tâm hơn”.
15h30 tại xã Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) mưa như trút nước. Đây là khu vực nằm ngay ven biển, chịu nhiều ảnh hưởng bởi gió lớn. Chợ, hàng quán ăn uống tại đây đã đóng cửa. Phần lớn người dân đã được di dời để lánh nạn.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, khi tiếp bờ, gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13, thời gian lưu gió có thể là 10-12 tiếng; thời điểm ảnh hưởng của bão từ chiều tối nay; thời điểm nguy hiểm nhất trên đất liền vào khoảng 21-22h tối nay đến 4-5h sáng (28/9).
Tại khu vực ven biển thành phố Tam Kỳ, sóng mạnh, dâng cao hơn 2m.
Hiện xã Tam Thanh đã có hơn 600 người di dời về các điểm tránh trú của TP Tam Kỳ. Lực lượng công an, quân sự, biên phòng sẽ túc trực 24/24 để phòng những sự cố xảy ra.
Lê Thị Nga (khách du lịch) đáp chuyến bay cuối cùng tới Đà Nẵng trong ngày 27/9 trước khi nhà ga hàng không đóng cửa. "Tôi khá bất ngờ trước cảnh tượng vắng lặng tại sân bay. Thậm chí việc đặt xe di chuyển cũng rất khó khi tài xế nghỉ làm tránh mưa bão", Nga nói.
Sân bay các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi bão Noru từ Thừa Thiên - Huế vào tới Bình Định theo lệnh đóng cửa để đảm bảo an toàn. Ngay từ đầu giờ chiều, trước khi bão vào, khung cảnh nơi đây đã trở nên vắng lặng khác thường.

>>Xem tin nóng: Tin bão số 4 - Siêu bão Noru và các chỉ đạo ứng phó khẩn cấp