Thông tin về kết quả phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết các dịch vụ giáo dục, y tế, điện, nước, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp… thời gian qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của thanh toán không dùng tiền mặt.

Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, gần 88% bệnh viện trực thuộc Bộ và thuộc các trường đại học Y, Dược đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Khoảng 64% địa phương - sở y tế (30/47 có báo cáo) có số cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ từ 50% trở lên. Trong đó có 12/47 (25,5%) sở y tế đạt tỷ lệ 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

thanhtoan-vnn.png
Các hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt hiện rất đa dạng. 

Đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là mục tiêu của cả ngành y tế và ngành ngân hàng hiện nay. Các hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt hiện rất đa dạng, như thẻ y tế thông minh, thanh toán viện phí qua thẻ ngân hàng, qua quét mã QR hay các máy thanh toán tự động được trang bị tại các bệnh viện...

Hình thức thanh toán này được đánh giá là góp phần giảm tình trạng quá tải cục bộ tại bệnh viện, giảm áp lực căng thẳng cho nhân viên y tế trong quá trình tiếp đón bệnh nhân đến khám, giúp bệnh viện có thể phục vụ người bệnh được chu đáo hơn, làm tăng sự hài lòng của người bệnh và người nhà người bệnh.

Trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, 60% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 

Lương Bằng và nhóm PV, BTV