- Các phụ huynh đều hướng cho con học đại học, trong khi tốt nghiệp lại không xin được việc làm, nhiều em đã phải quay lại trường nghề học tiếp. Mặc dù vậy, việc hướng nghiệp vào trường nghề luôn lại là lựa chọn cuối cùng.

Cử nhân thất nghiệp quay sang học nghề

Ngày 14/1, Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức gặp mặt báo chí để cung cấp những thông tin mới nhất sẽ triển khai, thực hiện trong năm 2015.

Theo thống kê của Tổng cục dạy nghề, hiện này, chỉ có khoảng 2,5-3,5% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề. Tỷ lệ này rất thấp so với mục tiêu đề ra tại Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị là "... năm 2010 phấn đấu ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề...".

{keywords}
Học nghề trồng nấm đã giúp gia đình anh Võ Ngọc Toàn (26 tuổi, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) từ gia đình hộ nghèo đã có thu nhập gần chục triệu một tháng.

Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề trăn trở, biết chắc không có việc làm nhưng phần đông phụ huynh vẫn cứ thích con phải vào đại học cho 'nở mày nở mặt'', có danh tiếng với xóm làng.

Ngay cả truyền thông, khi nêu gương điển hình cũng tập trung vào "gia đình nghèo mà có 2-3 con đỗ đại học". Còn dù có giàu mà xuất phát điểm từ học nghề vẫn bị coi là thấp kém.

"Lỗi của chúng ta là không truyền tải được hết thông tin là đi học nghề lợi ích ra sao, cũng kiếm được việc làm tốt và ổn định cuộc sống như thế nào", ông Lân bày tỏ.

Theo thống kê của Tổng cục dạy nghề, hiện nghề cắt gọt kim loại là hot nhất với 84% tốt nghiệp ra trường có việc làm; Kế toán cũng chỉ có 60% có việc.

Từ thực tế, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, với quy mô hơn 4.000 học viên, hàng năm trường tuyển mới khoảng 2.000 em và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Sinh viên chưa ra trường đã có các doanh nghiệp đến đăng ký nhận. Do đó, nhà trường có cam kết với học viên là học nghề xong sẽ có việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống.

Về việc cử nhân thất nghiệp quay sang trường nghề học, ông Khánh cho biết, năm 2013 có 42 em đỗ đại học trên điểm sàn đăng ký vào trường. Năm 2014, có hơn 100 em đã đỗ, đang học và đã học xong ĐH vào trường học nghề.

Ông Nguyễn Duy Nam, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Hàn (Nghệ An) cũng cho biết, chưa bao giờ không tuyển sinh được mà năm nào cũng vượt chỉ tiêu. Trường hợp tác tốt với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học viên thực tập và có việc làm sau này.

Cấu trúc lại trường nghề

Thực tế gần đây một số trường nghề phải hoạt động cầm chừng và giải thể do không có học viên. Ông Dương Đức Lân cho biết, có xảy ra tình trạng đó nhưng chủ yếu là các trường trung cấp.

Dù nhiều năm gần đây đã có quy hoạch các trường dạy nghề, song vẫn còn nhiều trường dạy nghề phải " chết". Vì vậy, năm 2014, Tổng cục không cấp chỉ tiêu cho những trường nhiều năm liên tục không tuyển đủ chỉ tiêu và đi theo định hướng phải cấu trúc lại hệ thống trường nghề bằng cách sáp nhập lại với nhau.

{keywords}
Những thanh niên dân tộc Êđê từ khi đi học nghề xây dựng ở Trung tâm dạy nghề Krông Ana đã có thể phục vụ cho dân bản Buôn Tơlơ mà không phải thuê người Kinh, lại có thu nhập 4-5 triệu/tháng.

Bà Mai Thuý Nga, Phó tổng cục trưởng cho biết, Luật Giáo dục nghề nghiệp vừa được Chính phủ thông qua. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, cũng nhằm hội nhập với thế giới. Ngoài ra, khung trình độ quốc gia cũng được hoàn thiện trong thời gian tới, trước thời điểm Luật có hiệu lực (1/7/2015).

Tổng cục sẽ xây dựng các văn bản để thực hiện như chính sách nội trú đối với người học nghề nghiệp; hỗ trợ người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 3 tháng; tiếp tục triển khai kiểm định và công nhận các bộ chương trình đã chuyển giao từ Malaysia...

Ngoài ra, sẽ lên kế hoạch đào tạo dạy nghề cho khoảng 900.000 lao động nông thôn, trong đó 550.000 lao động nông thôn được hỗ trợ.

Ông Lân cũng cho biết, riêng nhóm tuổi THCS, thời gian tới Tổng cục sẽ nghiên cứu về kết quả tỷ lệ học sinh ra nghề có việc làm. Tổng cục cũng phối hợp thành lập Trung tâm nghiên cứu nhu cầu thị trường lao động để định hướng thông tin cho các em trước khi đăng ký học nghề.

Tính đến ngày 10/12/2014, cả nước có 1.463 cơ sở dạy nghề, gồm 171 trường cao đẳng nghề (trong đó 44 trường ngoài công lập, 1 trường có vốn đầu tư nước ngoài); 301 trường trung cấp nghề (trong đó 106 trường ngoài công lập); 991 trung tâm dạy nghề (trong đó 349 trung tâm dạy nghề ngoài công lập).

Đã có 40 chương trình dạy nghề và 14 bộ đề thi tốt nghiệp được thẩm định; 21 chương trình khung trình độ TCN, CĐN.

Đ.Bảo