- Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định như vậy trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Hưng Yên.

Theo ông Nhạ, việc đưa về một nhà máy có thể gây ô nhiễm, trong khi đó, thu hút các trường đại học sẽ đồng nghĩa với việc mang văn hóa, trí tuệ về cho địa phương. Cơ hội phát triển kinh tế dịch vụ cũng mở ra.

Với hàng ngàn sinh viên, giảng viên về học tập, làm việc, sinh sống sẽ tạo ra nguồn thu dịch vụ đáng kế, góp phần tăng trưởng GDP cho địa phương” – người đứng đầu ngành giáo dục phân tích.

Thăm cơ sở Trường ĐH Thủy lợi tại khu đại học Phố Hiến, ông Nhạ khẳng định, cơ ngơi này đã chứng minh cho khát vọng và nỗ lực của tỉnh Hưng Yên cũng như tâm huyết của Trường ĐH Thủy lợi.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm khu đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: MOET.

Theo Bộ trưởng Giáo dục, sự kết nối giữa địa phương và nhà trường cần mật thiết hơn để các hoạt động nghiên cứu, đào tạo của nhà trường sẽ đóng góp thiết thực cho địa phương, cụ thể trước hết là cho nền nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, để từ đó mỗi người dân thấy được và tự hào về sự hiện diện của nhà trường.

Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương cần tạo điều kiện tối đa để các trường đại học yên tâm đầu tư và hoạt động trên địa bàn.

Dù có những kết quả bước đầu, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng, việc thu hút các trường đại học vẫn diễn ra chậm do vướng mắc về cơ chế chính sách trong sử dụng quỹ đất, tạo vốn đầu tư cho cơ sở đào tạo, chính sách về nhà ở cho đội ngũ cán bộ giảng viên và đặc biệt là giao thông kết nối với thủ đô Hà Nội chưa thực sự thuận lợi dẫn tới những e ngại của các trường.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Bộ sẽ có trách nhiệm giới thiệu và cùng địa phương thúc đẩy các trường đại học sớm đầu tư mở cơ sở đào tạo tại tỉnh Hưng Yên, trong đó ưu tiên lấp đầy khu đại học Phố Hiến.

Tuy nhiên, ông Nhạ cho rằng, để làm tỉnh Hưng Yên cần lưu ý quy hoạch các khu đại học theo hướng mở, trong đó có những khu dịch vụ chung như khu thể thao, vui chơi… tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, trường nào biết trường đó, đầu tư giống nhau dẫn tới lãng phí cả về đất đai và nguồn lực đầu tư.

Trong quá trình quy hoạch quỹ đất ở dành cho giáo viên cần quy hoạch thành các cụm, khu riêng, không xen kẹp vào khu giảng đường, tránh tình trạng có khu đại học tốt nhưng lại có khu dân cư trong đại học tạo nên tổng thể lộn xộn” - Bộ trưởng lưu ý.

Bên cạnh khu đại học Phố Hiến, Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Hưng Yên cũng nên tính toán hình thành khu chuyển giao khoa học công nghệ cao và khởi nghiệp, khu giáo dục quốc tế tại các vị trí phù hợp, có sự kết nối để tạo thành thể thống nhất.

Đưa Trường CĐ Sư phạm Hưng Yên trở thành vệ tinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh tập trung triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. 

Đó là: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục, đào tạo theo cả hai hướng đại trà và chất lượng cao; sớm đưa Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên trở thành vệ tinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương; rà soát đội ngũ giáo viên theo chuẩn, quy chuẩn gắn với đổi mới chương trình, sách giáo khoa; sớm xây dựng đề án phát triển trường chuyên của tỉnh để đầu tư cho hiệu quả; phối hợp với Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và Cục CNTT của Bộ để đẩy mạnh ứng dụng CNTT và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; làm tốt việc dự báo nguồn nhân lực và phân luồng sau THCS; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa; quan tâm hơn nữa tới giáo dục đạo đức lối sống, dân chủ, an toàn trường học và kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Minh Thu  - Lê Văn