Một trong những nghịch lý lớn của quản lý ngành dệt may là sự ngược nhau về chủ trương đầu tư dệt nhuộm. Trong khi các bộ ngành và doanh nghiệp rốt ráo với khâu dệt nhuộm thì ở địa phương, tâm lý chung là từ chối cấp phép, hạn chế đầu tư.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu khi phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp giai đoạn 2013 - 2020, UBND tỉnh đã nêu rõ, riêng ngành dệt, nhuộm chỉ phát triển ở Cụm công nghiệp Ngãi Giao do UBND tỉnh cấp phép. Các cụm công nghiệp còn lại chỉ được thu hút ngành dệt, đối với ngành nhuộm chỉ được thu hút khi UBND tỉnh cho phép.

Tại Bình Dương, những dự án đầu tư dệt may nếu có một phần công đoạn nhuộm tỉnh cũng xem xét vì đã quy hoạch một cụm công nghiệp lớn với đầy đủ hạ tầng để tiếp nhận đầu tư.

Ngay cả Hải Dương cũng đưa ra 6 lĩnh vực tạm dừng thu hút đầu tư, bao gồm: dệt nhuộm (dệt có công đoạn nhuộm); sản xuất da, giày da và các sản phẩm có liên quan và trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da; sản xuất nhựa tổng hợp, Composit, sản xuất giấy từ bột giấy, cao su…

{keywords}
Dệt nhuộm vẫn là điểm tắc của ngành dệt may (ảnh: Hoàng Hiệp)

Một trong những lý do bị từ chối là bởi, dệt nhuộm được coi là lĩnh vực đi đôi với hệ quả ô nhiễm môi trường.

Trong chuỗi giá trị của ngành dệt may, công đoạn nhuộm và hoàn tất vải lại là những công đoạn phát thải ô nhiễm cao nhất khi sử dụng nhiều loại thuốc nhuộm, hóa chất, tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều nước thải với nồng độ ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD), các kim loại nặng độc hại, các chất rắn lơ lửng... cũng như độ màu rất cao.

Để nhuộm 130 - 600m3/tấn vải và có đến 88% lượng nước sạch sử dụng sẽ trở thành nước thải trong quá trình xử lý vải ướt. Do sử dụng rất nhiều loại hóa chất như axit, dung môi hữu cơ kiềm tính, thuốc nhuộm và chất màu, các hoạt chất bề mặt nên ngành công nghiệp dệt nhuộm được xem là lĩnh vực gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngân hàng Thế giới ước tính, mỗi năm, dệt nhuộm sử dụng 1/4 lượng hóa chất toàn thế giới và 1/5 lượng nước ô nhiễm toàn cầu do ngành công nghiệp dệt nhuộm thải ra. Các hóa chất nguy hại là độc tố tiêu diệt thủy sinh vật và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Trong nước thải dệt nhuộm có cả những chất dễ phân giải vi sinh như bột sắn dùng hồ sợi dọc và những chất khó phân giải vi sinh như Polyvinyl axetat, thuốc nhuộm phân tán, thuốc nhuộm hoạt tính và các chất dùng tẩy trắng vải.

Các loại vải càng sử dụng nhiều xơ sợi tổng hợp như Polyester càng dùng nhiều thuốc nhuộm và các chất phụ trợ khó phân giải vi sinh, dẫn tới lượng chất gây ô nhiễm môi trường trong nước thải càng cao. Hàng năm, toàn ngành dệt may thải ra môi trường trung bình khoảng 70 triệu m3 nước thải, trong đó, mới có khoảng 45% tổng số lượng nước thải đã quay xử lý (mặc dù mức độ xử lý vẫn chưa triệt để), số còn lại thải thẳng ra cống thoát nước hoặc mương thoát.

Ngoài việc gây ô nhiễm nguồn nước, khí thải của ngành dệt nhuộm phát tán ra môi trường như: Hơi, bụi bông, Cl, SO2, CO, CO2. NOx… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của công nhân và người dân xung quanh. Hầu hết, các loại phẩm nhuộm đều có độc tính, một số loại còn có khả năng gây ung thư. Đơn cử, thuốc nhuộm Azo là nhóm lớn nhất dùng trong ngành tẩy nhuộm, chiếm khoảng 65% trong tổng số các loại thuốc nhuộm dùng để nhuộm và in hoa. Khí clo thoát ra từ khâu giặt có tác dụng kích thích niêm mạc đường hô hấp và mắt. Ở nồng độ cao, Clo có thể gây chết bất ngờ do ngừng hô hấp và ngất, phù phổi và bỏng hóa học…

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may là ngành công nghiệp thứ 2 gây ô nhiễm nguồn nước. Điều không thể phủ nhận là các nhà máy dệt nhuộm phải xử lý ô nhiễm cực kỳ khó và tốn kém, nếu không đạt yêu cầu thì đời sống người dân, môi trường sẽ đối diện với những nguy hại từ nước thải, hóa chất, khí thải...

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu đồ may mặc đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng ngành dệt may của chúng ta lại “nổi tiếng” với vì chi phí sản xuất thấp và việc đáp ứng tiêu chuẩn môi trường còn hạn chế.

"Hiện nay, xu thế toàn cầu của khách hàng ngày càng hướng tới sự bền vững môi trường, khiến nhiều nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất, trong đó, có nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Vì vậy, nếu không thay đổi phương thức sản xuất bây giờ, Việt Nam sẽ mất năng lực cạnh tranh và nhiều cơ hội", ông Giang nói.

TS. Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương có cơ sở để lo ngại những dự án đầu tư của doanh nghiệp. Chính sách tháo gỡ hiện nay là quy hoạch địa bàn và phải xử lý, kiểm soát về môi trường.

Thu Ngân