Báo chí đưa tin, sau mấy tuần công chiếu, bộ phim cán mốc doanh thu kỷ lục 500 tỷ đồng, trở thành phim Việt mang về doanh thu cao nhất mọi thời đại. Đây được đánh giá là bộ phim đạt tốc độ doanh thu thành công nhanh nhất của nghệ sĩ Trấn Thành và hiện vẫn đang được công chiếu.

Giới theo dõi đánh giá đây sẽ là phim đạt doanh thu phòng vé cao nhất của Việt Nam trong lịch sử, vượt lên cả những bộ phim doanh thu hàng trăm tỷ trước đó cũng của nghệ sĩ Trấn Thành là các phim Bố già, Nhà bà nữ.

Qua những ồn ào từ sự thành công của một bộ phim cũng là dịp để nhìn ra thực tế về cơ cấu dân số xã hội và những vấn đề trong phát triển kinh tế văn hóa.

Câu chuyện đời sống ở đô thị

Phim Bố già nếu chỉ nghe tên chưa xem thì nhiều người lại tưởng là phim nói về mafia nhưng thực ra bố già ở đây là một ông bố làm nghề xe ôm khó tính trong gia đình sinh sống ở một khu phố. Bộ phim nói về những xung đột mâu thuẫn tình cảm yêu thương giận hờn giữa ông bố và cậu con trai đang tuổi ăn học mới lớn.

phim mai 1.jpeg
Chất liệu của đời sống đô thị là nét chủ đạo trong những bộ phim của nghệ sĩ Trấn Thành

Trong khi phim Nhà bà nữ xoay quanh câu chuyện gia đình một người phụ nữ bán bánh bún canh hoặc phim Mai có nhân vật nữ làm nghề massage ở thành phố vượt lên những tủi hổ. Đó đều là những câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ gia đình và lớp người trẻ sinh sống ở đô thị.

Ba năm trước Trấn Thành cũng đã làm một Seri phim dài tập chiếu trên YouTube có tên là ‘Hẻm cụt’ cũng xoay quanh câu chuyện của những người thuê trọ trong một con hẻm của một khu phố.

Toàn bộ phim dài tập đều chỉ có những cảnh quay trong phạm vi không gian của một dãy nhà trọ với những tình huống bi hài trong sự va chạm của những người sống cùng xóm trọ. Không gian xóm trọ với con hẻm nhỏ là lối đi ở giữa chính là sân khấu để các diễn viên diễn các hoạt cảnh của bộ phim.

Như thế, tôi thấy chất liệu của đời sống đô thị là nét chủ đạo trong những bộ phim của nghệ sĩ Trấn Thành. Lý do cũng dễ hiểu bởi chính đời sống đô thị của thành phố Hồ Chí Minh nơi Trấn Thành sinh sống đã cung cấp chất liệu cảm hứng cho làm phim.

Tôi cũng thấy các bộ phim đều nói về các mối quan hệ của người trẻ trong tình yêu hoặc trong mối quan hệ với người lớn là cha mẹ. Điều đó có lý do tự nhiên nội tại khi Trấn Thành là một người trẻ và những bạn diễn của anh cũng là những người trẻ.

Là người hoạt bát năng nổ tham gia nhiều chương trình truyền hình với những người trẻ cho nên Trấn Thành thu lượm được những chất liệu cuộc sống thú vị và được đưa vào, trở thành những điểm nhấn trong phim.

Ví như những câu hội thoại trong phim ‘Mai’ như ‘cảm ơn vì đã không chờ em’ hoặc ‘đã bao lần nhìn nhau không mặc quần áo nhưng lại không thể nhìn nhau mặc áo cưới’ là những ngôn tình của người trẻ.

Là người đã trung tuổi và đã xem nhiều phim điện ảnh của Âu Mỹ, Nhật Hàn tôi nhận ra những giới hạn trong phim của Trấn Thành. Đó là những cảnh quay trong phim thường là những góc quay hẹp với bối cảnh đơn giản.

Đó là những cảnh quay không gian gia đình, trong nhà ngoài sân, ngõ hẻm góc phố, bến xe quán xá, sử dụng những không gian thực tế sẵn có và không đòi hỏi nhiều chi phí như những cảnh quay phải dàn dựng công phu với nhiều trang thiết bị kỹ thuật khí tài máy móc hoặc số lượng người diễn đông đảo.

Trong phim không có những cảnh quay hoành tráng hoặc cốt truyện ly kỳ hấp dẫn cùng những tình huống gay cấn bất ngờ. Điểm nhấn phần nhiều chỉ là những màn hội thoại với những lời lẽ ngôn tình mang một chút triết lý cuộc sống tình yêu hướng tới những người trẻ.

Những bộ phim như thế dường như chỉ vượt hơn những chương trình hài kịch trước đây của Trấn Thành một chút, còn lại chưa phải là phim có chiều sâu chất lượng theo cách cảm nhận của mình.

Nhưng dẫu vậy, những yếu tố tâm lý tình cảm trong phim vẫn cuốn hút người xem chủ yếu là lớp người trẻ sống ở đô thị.

Chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh có dân số lên tới khoảng gần 10 triệu người có đăng ký cư trú, còn tính cả số dân cư trú không đăng ký thì con số còn cao hơn nữa.

Phần rất lớn trong số đó là những người trẻ được sinh ra tại thành phố hoặc là những thanh niên từ các tỉnh tập trung về đó học tập lao động kiếm sống. Và đó là lớp khán giả đã đem đến thành công doanh số cho các bộ phim.

Tầng lớp trung lưu

Câu chuyện thành công trong làm phim của nghệ sĩ Trấn Thành không chỉ do bởi sự gia tăng đông đảo của lớp thanh niên sống ở đô thị mà còn chứng tỏ sự phát triển gia tăng của tầng lớp trung lưu tại thành phố Hồ Chí Minh và trên cả nước.

Rõ ràng, lớp trẻ ngày nay đã có một đời sống kinh tế khác so với những thế hệ trước. Công ăn việc làm đã cho thu nhập cao hơn hoặc nhiều người sinh ra ở đô thị được hưởng những lợi ích kinh tế từ thế hệ bố mẹ. Mà rồi từ bước phát triển kinh tế đã đưa tới những bước phát triển về văn hoá.

TP. HCM từ lâu vốn là trung tâm kinh tế của cả nước, nơi thu nhập bình quân đầu người đạt ở mức cao, từ hàng chục năm qua nơi này đã phát triển về nghệ thuật với các sân khấu kịch, âm nhạc. Tài năng của nghệ sĩ Trấn Thành đã phát triển lên từ môi trường văn hoá như vậy.

Hơn nữa, còn nhiều đạo diễn trẻ khác cũng đã thành công với những bộ phim đạt giải quốc tế.

Năm 2019 bộ phim ‘Ròm’ của đạo diễn trẻ Trần Anh Khoa đã đạt giải Làn sóng mới (New Currents) tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019. Cũng phim đó đã đạt giải Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Fantasia 2020 và đạt giải Phim hay nhất tại LHP châu Á Barcelona 2020.

Năm 2021 tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 71 bộ phim ‘Vị’ (Taste) của đạo diễn Lê Bảo xuất sắc giành giải thưởng danh giá ở hạng mục Encounters.

Không chỉ lĩnh vực phim ảnh mà nhìn sang lĩnh vực thể thao nhiều người trẻ cũng đạt được những thành công cho thấy dấu ấn của sự tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng của một tầng lớp trung lưu.

Ví như Trương Đình Hoàng, sinh năm 1990 đã vô địch boxing WBA Đông Á năm 2019 và WBA Châu Á năm 2020 ở hạng middleweight. Hoặc như võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi, sinh năm 1996 đã đoạt đai WBO Châu Á - Thái Bình Dương hạng minimum của nữ năm 2020. Năm 2021, Thu Nhi đã thắng Etsuko Tada (Nhật Bản) để đoạt đai WBO thế giới, là võ sĩ đầu tiên của Việt Nam đoạt đai vô địch thế giới của WBO.

Bởi vậy khi theo dõi chứng kiến những thành công của thể thao văn hóa lâu nay và cho tới hiện tại chứng kiến sự thành công của bộ phim Mai của Trấn Thành có những dấu ấn xã hội xung quanh đó, tôi thấy đằng sau đó chính là sự phát triển của nền kinh tế, văn hoá, xã hội. Đó là điều rất đáng vui.

Ngô Ngọc Trai