Từ đầu năm nay, các nhà lãnh đạo nói nhiều về việc thay đổi thể chế. Tại một cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Công tác xây dựng thể chế chính là nút thắt quan trọng, là khâu đột phá mà Đảng và Nhà nước đã xác định”.

Trong hội nghị đầu tiên gặp doanh nhân, người đứng đầu Chính phủ phát đi thông điệp “doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế”. Theo đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng; đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Sự quyết tâm của Chính phủ đã rõ. Việc làm còn nhiều, nhưng thành công được bao nhiêu? Ta sẽ tìm câu trả lời bằng cách xem xét khía cạnh tâm lý của những người thực hiện các thể chế mới.

Các thành phần của một thể chế

Một thể chế thường có ba thành phần, hay nó có ba tác nhân: các quy định (siết chặt hay mở rộng so với cũ); các đơn vị thực hiện (một cơ quan với các phòng hay ban) và các người làm việc trong các phòng ban kia, sẽ áp dụng các quy định để giải quyết một yêu cầu của người dân (một cá nhân hay một doanh nghiệp). Các thành phần này được xem xét trong phạm vi của một cơ quan công quyền hay hành chính; nơi phát huy tác dụng của các thể chế mới.

Trong ba thành phần trên thì cái nào tác động nhiều nhất đến sự thành công của thể chế mới? Thưa thành phần thứ ba. Nói rõ hơn, đó là một nhân viên nhất định của một cơ quan trực tiếp giải quyết một yêu cầu của người dân theo thể chế mới. Nói khác đi, đó là người trực tiếp xử lý nội vụ. Để giải quyết, người đó có những người khác trợ giúp (chuyên viên, trợ lý) và họ tạo nên hệ cấp hành chính trong cơ quan. Ở đây xin gọi họ là người trực tiếp xử lý vụ việc. Họ chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu của người dân.

Một vị chuyên gia về cải cách hành chính đã nhận thấy các hiện tượng “dân cần, quan chưa vội” ở các cơ quan công quyền và nêu ra các nguyên nhân sau: cơ chế của nền hành chính khó quy trách nhiệm; thiếu trách nhiệm của người đứng đầu và căn bệnh vô cảm của các cán bộ công chức (Diệp Văn Sơn, Tuổi Trẻ ngày 6-6-2016). Đây là tình hình hiện nay ở nhiều cơ quan hành chính và, một phần lớn, do những người trực tiếp xử lý vụ việc gây nên.\

{keywords}

Ảnh minh họa: Ngọc Diệp/ Dân trí

Tầm quan trọng của người trực tiếp xử lý vụ việc đối với thể chế mới

Tầm quan trọng này có thể thấy qua việc sau. Một cơ quan ban hành một bản nội quy mới về việc ra vào cơ quan. Nó đầy đủ và chặt chẽ. Thực thi nội quy đó không phải là ông hay bà giám đốc mà là người bảo vệ đứng ở cổng. Đó là người trực tiếp xử lý vụ việc. Dù nội quy có chặt chẽ, nhưng nếu người bảo vệ châm chước cho một người lạ vào cơ quan thì rõ ràng bản nội quy kia vô nghĩa. Nó chặt chẽ đến mấy thì cũng không có tác dụng mong muốn. Thực tế này khiến chúng ta nhìn đến tác động của các thể chế mới. Nó có thể rơi vào tình trạng như bản nội quy kia; mà nguyên là do tâm lý của những người trực tiếp xử lý vụ việc.

Tâm lý của những người này cũng giống như của nhiều người chúng ta. Nó bị ảnh hưởng rất nhiều bởi khung cảnh sinh sống hàng ngày (cảnh vật, đồ đạc, đồng sự, cấp trên, phương tiện máy móc...). Khung cảnh sống tác động đến thái độ và hành động của chúng ta. Và mỗi một hoàn cảnh nhất định đều tạo ra một tâm lý tương ứng. Tâm lý phù hợp với hoàn cảnh là điều bắt buộc vì nó giúp ta sống. Nó chính là điều ông bà ta đã nói - “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.

Tâm lý của người trực tiếp xử lý vụ việc

Người trực tiếp xử lý vụ việc trong một cơ quan công quyền là những người được tin tưởng. Họ thường là các đảng viên, hay người được đảng viên tin tưởng. Nói đến Đảng thì phải nêu nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý”. Về lý thuyết hai hệ thống này đi song song với nhau; nhưng khi được áp dụng ở các cơ quan thì chúng đan xen với nhau và đó là sự lãnh đạo của Đảng trong thực tế.

Muốn cho thể chế mới thành công, cần phải làm thay đổi tâm lý của người trực tiếp xử lý vụ việc, nhìn từ ví dụ về bản nội quy cơ quan mới và tâm lý của người gác cổng.

Để mô tả sự đan xen kia xin dùng một hình ảnh. Ở mỗi cơ quan công quyền, hệ thống Đảng và chính quyền kết hợp với nhau thành “một hình tam giác nằm trong hình vuông.” Hình vuông là chính quyền và đó là một ban, phòng, hay sở và cao hơn (xin gọi là một đơn vị). Hình tam giác là sự lãnh đạo của Đảng đặt ở trong đơn vị trên. Đảng lãnh đạo bằng cách cử đảng viên nắm giữ các chức vụ cao, các công việc quan trọng, và then chốt trong đơn vị; họ tỏa ra thành hình tam giác. Hai hình đan xen kia là cấu trúc của các cơ quan công quyền ở ta. Nó là thành phần thứ hai của một thể chế.

Đối với mỗi người trực tiếp xử lý vụ việc nằm trong hình tam giác, thái độ của họ khi giải quyết một yêu cầu của người dân thường bị tác động bởi ba thứ: sự ý thức nhiệm vụ, sự khen thưởng và sự chế tài. Bỏ yếu tố đầu vì mọi người trực tiếp xử lý vụ việc có thể giống nhau, ta bàn về hai yếu tố sau. Về phần thưởng nó chỉ đến với người trực tiếp xử lý vụ việc sau khi đã làm xong việc nên không tác động nhiều đến thái độ làm việc. Sự chế tài chi phối người trực tiếp xử lý vụ việc từ khi bắt đầu làm cho đến khi làm xong; nghĩa là nếu làm không xong hay làm sai thì có thể bị phạt như thế này, thế nọ. Vậy chế tài ảnh hưởng đến tâm lý người trực tiếp xử lý vụ việc khi làm việc. Và ta bàn về các biện pháp chế tài áp dụng trong một đơn vị.

Hai biện pháp chế tài

Biện pháp chế tài của hệ thống Đảng và của chính quyền khác nhau. Hình vuông và tam giác tiêu biểu cho sự khác biệt này.

Tổ chức và chế tài của hệ thống chính quyền là hình vuông. Cơ cấu quyền lực của nó đi từ trên xuống dưới. Trật tự của cơ cấu kia được duy trì bằng quy chế công vụ, trong đó có các sự chế tài, mà cao nhất là sa thải. Ta gọi đó là quy chế công vụ. Việc sa thải được làm theo các quy định của Bộ luật Lao động.

Tổ chức và chế tài của Đảng là hình tam giác. Đối với đảng viên, khi làm sai họ chịu sự chế tài hay kỷ luật của Đảng trước; sau đó, nếu nghiêm trọng, mới bị kỷ luật về mặt chính quyền.

Kỷ luật của Đảng có sáu đặc điểm. Nó được lập ra để áp dụng cho một thành phần ưu tú vì giác ngộ lý tưởng, đi tiên phong và được chọn lọc. Hình thức chế tài gồm có khiển trách, cảnh cáo và khai trừ. Quá trình thực hiện chế tài như sau: ban kiểm tra Đảng được giao đi điều tra, sau đó việc áp dụng hình thức kỷ luật được quyết định bởi một tập thể, gồm có các đảng viên của chi bộ. Trước khi ra tập thể, người bị kỷ luật tự phê bình và đề nghị một biện pháp dành cho mình. Người có tiếng nói ảnh hưởng trong việc ra quyết định là bí thư chi bộ.

Các đặc điểm này tạo nên một hệ quả tâm lý khi kỷ luật Đảng được áp dụng cho một đảng viên. Trước hết, về mức độ đấu tranh; chỉ khi có hai người với nhau thì sự đấu tranh mới không khoan nhượng; còn khi cả chi bộ ngồi chung nhận xét thì người ta thường nhìn nhau, ít người dám nói mạnh; hơn nữa, ai cũng sợ mai mốt nhỡ mình cũng bị thì sao và cuối cùng giới ưu tú phải giữ mặt cho mình trước quần chúng. Bí thư chi bộ cũng có tâm lý này; chưa kể sự lo ngại khi hết nhiệm kỳ không được chi bộ bầu lại nữa, nếu làm mạnh. Vì thế, khi kỷ luật Đảng được áp dụng cho một đảng viên thì tập thể có khuynh hướng tha cho nhau.

Trở lại người trực tiếp xử lý vụ việc. Được hưởng biện pháp kỷ luật Đảng, họ biết mình được bảo vệ. Ý nghĩ thông thường là có sao thì cũng có nhiều cách đỡ. Thứ nữa, do cơ chế xin - cho hiện hữu trong cơ quan công quyền, người trực tiếp xử lý vụ việc thấy mình có quyền đối với dân chúng. Họ có thể chấp nhận hay từ chối thỉnh cầu của người dân tùy ý mình mà không sợ bị chế tài. Các yếu tố tâm lý này biến họ thành một ông quan sách nhiễu và ít bị kiểm soát.

Chính cái tâm lý này đã làm cho thủ tục hành chính trở thành “hành dân là chính”. Ba bốn năm trước đây, thủ tục hành chính đã được tinh giản, mà chẳng đổi thay được bao nhiêu. Giảm bớt giấy phép con mà nó vẫn tăng lên! Thành ra, sự thay đổi thể chế đang được đẩy mạnh hiện nay chưa chắc đã đạt được mục đích của nó. Tâm lý của người gác cổng và bản nội quy cơ quan cho ta thấy triển vọng thành công của các thể chế mới.

Muốn cho thể chế mới thành công, cần phải làm thay đổi tâm lý của người trực tiếp xử lý vụ việc. Học tập chính trị là một cách. Cách khác là - nên chăng - vẫn để các đảng viên nắm các chức vụ cao, quan trọng và then chốt trong một đơn vị; nhưng nếu vi phạm kỷ luật, họ sẽ bị chế tài theo quy chế công vụ; chứ không theo kỷ luật Đảng; hoặc chế tài theo quy chế công vụ trước, sau đó mới đến kỷ luật Đảng?

Theo Nguyễn Ngọc Bích/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn