Đại dịch Covid-19

Trong tuần qua, tính từ ngày 3/12 đến sáng ngày 10/12, thế giới ghi nhận thêm 4.295.429 ca nhiễm mới cùng 53.374 ca tử vong mới.

Biến thể Omicron lan rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi các nhà khoa học vẫn cần thời gian để nghiên cứu thêm về biến thể này.

Mỹ, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch hiện có hơn 50,5 triệu ca nhiễm cùng hơn 815.000 ca tử vong vì Covid-19. Biến thể Omicron đã lan đến ít nhất 15 bang của nước này.

Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết nhằm hủy bỏ yêu cầu của Tổng thống Joe Biden rằng các doanh nghiệp có từ 100 lao động trở lên phải tiêm phòng hoặc xét nghiệm Covid-19 hàng tuần.

Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro chỉ trích cơ quan quản lý y tế nước này vì đã đề  xuất yêu cầu tiêm phòng đối với khách du lịch nhằm hạn chế sự lây lan của virus.

Tại châu Phi, Nam Phi đang là tâm điểm của đại dịch Covid-19 với sự bùng phát mạnh mẽ của biến thể Omicron. Số ca nhiễm mới tại nước này tăng lên 255% trong 7 ngày qua. Tuy nhiên, các ca bệnh cần phòng chăm sóc đặc biệt chỉ chiếm 6% tổng số ca bệnh.

Số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản đang giảm mạnh với số ca nhiễm mới chỉ ở mức vài ca trên 1 triệu dân. Trong khi đó, Hàn Quốc liên tiếp phá kỷ lục về số ca nhiễm trong 24 giờ với chuỗi ngày liên tiếp ghi nhận trên 7000 ca nhiễm mới trong ngày. Số ca phải chăm sóc đặc biệt cũng không ngừng tăng lên.

Một số quốc gia như Thái Lan, Singapore đã ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 mang biến thể Omicron đầu tiên. 

Châu Âu một lần nữa phải gồng mình ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới lan rộng tới nhiều quốc gia. Pháp hiện đã vượt 8 triệu ca nhiễm, trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới chạm tới cột mốc này. Ngày 8/12, Pháp ghi nhận 61.340 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong hơn một năm qua.

Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Hy Lạp, Áo… cũng đang chật vật trong làn sóng lây nhiễm dâng cao.

Hàng loạt các quốc gia châu Âu thắt chặt các biện pháp phòng dịch và đưa ra nhiều hạn chế đối với những người chưa tiêm vắc xin, từ việc cấm tham gia nhiều hoạt động đến việc phạt tiền.

Biến thể Omicron được các chuyên gia đánh giá là loại biến thể dễ lây lan nhất trong các chủng chính của virus corona, cao hơn cả biến thể Delta. Tuy nhiên, biến thể này chưa gây ra những triệu chứng nặng.

Nhiều nhà khoa học cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận liệu biến thể Omicron có thể trốn được sự bảo vệ của vắc xin hay không, nhưng hiện nay, vắc xin vẫn là “vũ khí tốt nhất hiện có”

Tính đến ngày 10/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hội đàm trực tuyến Biden - Putin

Tuần qua, 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đã có cuộc hội đàm trực tuyến để bàn về một loạt vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa Washington và Moscow.

Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nếu Nga tiến hành kế hoạch xâm chiếm Ukraina. Trong khi đó, Moscow gọi cáo buộc này là “tin giả”.

Ngoài ra, Tổng thống Biden và Tổng thống Putin cũng bàn thảo về vấn đề an ninh mạng và mã độc, về cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong quan hệ ngoại giao song phương, các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí, và nỗ lực tái khởi động thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nhiều nước tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022

Hàng loạt các quốc gia đã gia nhập cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Đại hội Thể thao Olympic Bắc Kinh do Mỹ khởi xướng.  

Theo đó, Mỹ, Anh, Australia, New Zealand cho biết không cử các quan chức tới Bắc Kinh tham gia sự kiện này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyến bố các quốc gia này sẽ phải “trả giá” vì hành động này, cáo buộc Mỹ, Anh và Australia đã sử dụng sự kiện Thế vận hội để thao túng chính trị.  

Hành động tẩy chay xuất phát từ căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia kể trên.  

Bà Aung San Suu Kyi bị tuyên án 4 năm tù giam

Cựu cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi hôm nay (6/12) đã bị tuyên án 4 năm tù với tội danh kích động và vi phạm luật thiên tai. 

Theo hãng tin Reuters, bà Suu Kyi hiện đối mặt với 11 cáo buộc hình sự, và tất cả tội danh chống lại nữ chính khách này có mức án tổng cộng lên tới hơn 100 năm tù giam. 

Bà Suu Kyi, người từng được giải Nobel Hòa bình, đã bị bắt giữ vào sáng sớm ngày 1/2/2021, khi quân đội tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền dân sự có bà làm cố vấn nhà nước. 

Căng thẳng Nga - phương Tây

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ngày càng gia tăng khi Tổng thống Nga Putin cho rằng sự mở rộng về phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đe dọa các lợi ích an ninh trọng tâm của Nga. 

Người đứng đầu điện Kremlin cũng khẳng định các mối đe dọa như vậy thể hiện “ranh giới đỏ” với nước Nga.  

Ông Putin cho rằng Nga và phương Tây cần đàm phán nhằm bảo vệ lợi ích an ninh của mỗi bên, cũng như để tránh được sự căng thẳng.  

Cũng trong ngày 8/12, các chiến cơ Su-27 của Nga đã được triển khai để đánh chặn hai tiêm kích chiến thuật và một máy bay tiếp dầu của Pháp bay trên Biển Đen. 

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ủng hộ con trai cả kế nhiệm

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, ông ủng hộ con trai cả Hun Manet, 44 tuổi, kế nhiệm ông làm thủ tướng nước này nhưng phải qua bầu cử.

Con trai cả của Thủ tướng Hun Sen là Phó tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia đồng thời là Tham mưu trưởng.

Về vai trò trong đảng, ông Hun Manet là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng, Chủ tịch Phong trào Thanh niên của Đảng Nhân dân Campuchia và Phó Ban Dân vận Ủy ban Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia.

VietNamNet TV

 >>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet

Trung Quốc dọa Mỹ, Australia, Anh 'trả giá' vì tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh

Trung Quốc dọa Mỹ, Australia, Anh 'trả giá' vì tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Mỹ, Australia và Anh sẽ phải "trả giá" sau khi 3 nước quyết định không cử quan chức tới dự Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022.

Năm điểm chính của hội nghị trực tuyến Biden – Putin

Năm điểm chính của hội nghị trực tuyến Biden – Putin

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga hội đàm chủ yếu về vấn đề Ukraina nhưng cũng đề cập một loạt vấn đề quan trọng khác liên quan đến quan hệ giữa Washington và Moscow.