Thị trường tài chính thế giới đang chứng kiến những biến động bất thường, không theo những quy luật thường thấy.
Nếu như trong phiên đêm 4/6 (giờ Việt Nam) giá vàng bất ngờ lao dốc sau khi Mỹ công bố số liệu kinh tế xấu, thị trường lao động không được như kỳ vọng thì đêm 5/6 đồng USD bất ngờ giảm khi Canada giảm lãi suất. Vàng qua đó tăng vọt, cũng ngược với những quy luật thường thấy.
Dòng tiền vẫn không ngừng đổ vào cổ phiếu Mỹ, qua đó kéo thị trường chứng khoán nước này tiếp tục lên đỉnh mới. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đồng loạt lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch 5/6 (rạng sáng 6/6, giờ Việt Nam). S&P 500 đã tăng khoảng 12% kể từ đầu năm.
Đêm qua, quốc gia G7 đầu tiên cắt giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) rạng sáng 6/6 (giờ Việt Nam) đã cắt giảm lãi suất chính sách từ 5% xuống 4,75%, lần đầu tiên sau 4 năm. Đây được xem là “thời khắc bước ngoặt” theo như phát biểu của Thống đốc Canada Tiff Macklem. Một số dự báo cho rằng, BoC sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 7.
Sáng 6/6, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng dựng đứng. Sau khi xuống tới gần 2.315 USD/ounce trong phiên trước, tới 10h ngày 6/6, vàng đã lên 2.373 USD/ounce. Đây cũng là một sự bất thường.
Trong khi đó, có 93% dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm lãi suất vào hôm nay, đưa lãi suất tiền gửi xuống 3,75%, từ mức cao kỷ lục hiện tại là 4%.
Theo diễn biến thông thường, 2 đồng tiền chủ chốt là CAD và EURO sẽ giảm giá, qua đó đẩy USD đi lên. Giá vàng sẽ giảm theo đà mạnh lên của đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, đồng USD lại giảm giá. Chỉ số DXY giảm khoảng 0,2% so với phiên liền trước xuống mức 104 điểm vào sáng 6/6 trên thị trường châu Á.
Đồng tiền số Bitcoin tăng 0,5% lên 71.120 USD/BTC, gần sát kỷ lục cũ.
Thế giới vào giai đoạn mới, sự bất định gia tăng
Có thể thấy, thị trường tài chính thế giới đang bước vào một giai đoạn mới, với sự bất định gia tăng. Rất nhiều diễn biến trên các thị trường không còn theo các quy luật thông thường, thay vào đó là biến động khá hỗn loạn.
Nhưng có một xu hướng đang ngày càng rõ hơn. Đó là sự thay đổi chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương lớn. Theo đó, cả ECB và BoC và sau đó là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất, không phải 1 lần mà nhiều lần. Trước đó, hồi tháng 3, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng đã cắt giảm lãi suất.
Ngân hàng trung ương nhiều nước cắt giảm lãi suất cho dù lạm phát vẫn ở mức khá cao. Nước Mỹ ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao hơn khá nhiều so với mục tiêu 2%.
Gần đây, có nhận định cho rằng, nhiều khả năng Fed sẽ phải chấp nhận một mặt bằng lạm phát cao hơn. Mục tiêu 2% duy trì ổn định trong nhiều thập kỷ qua có thể không còn phù hợp với giai đoạn mới bắt đầu từ vài năm gần đây.
Khả năng cao là Fed phải tính đến trường hợp sớm cắt giảm lãi suất, không thể trì hoãn quá lâu chờ lạm phát xuống thêm nữa.
Theo các tín hiệu thị trường từ công cụ CME FedWatch, các thị trường đang đánh cược 68,1% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 18/9 tới. Tỷ lệ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 7/11 là 80%.
Giới đầu tư tăng đặt cược vào khả năng Fed hạ lãi suất khi các ngân hàng trung ương lớn khác dường như khá vội vã nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Gần đây, Trung Quốc cũng triển khai kế hoạch bơm tiền vào nền kinh tế.
Có thể thấy, trong một giai đoạn các nền kinh tế trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu có dấu hiệu đình trệ, chính sách tiền tệ thắt chặt dường như không phù hợp.
Cho dù lạm phát còn cao, các nước vẫn đang có xu hướng bơm thêm tiền ra thị trường. Trong một môi trường như vậy, khả năng giá cả hàng hóa và nhiều thị trường tài chính, trong đó có vàng bạc, chứng khoán có thể tăng giá. Thị trường bất động sản ở một số nơi cũng được dự báo có thể tăng tiếp khi các đồng tiền mất giá.
Giới đầu tư nhiều nơi trên thế giới gần đây gặp khó khăn trong việc lựa chọn kênh đầu tư. Đây có thể là yếu tố đẩy dòng tiền vào một số kênh mới, trong đó có nhóm cổ phiếu trí tuệ nhân tạo AI. Cổ phiếu của nhà sản xuất con chip Nvidia đã liên tục lập đỉnh cao lịch sử và được dự báo có thể lên 1.500 USD/cp trong thời gian tới, tương đương mức tăng thêm 22% so với mức giá đóng cửa ngày 5/6.
Nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn tăng cho dù triển vọng kinh tế không mấy tích cực, giá dầu giảm mạnh.