- Chỉ còn ít ngày nữa TP.HCM bắt đầu triển khai thu phí đường bộ đối với xe máy như nghị quyết của HĐND TP nhưng ngay tại phiên họp tổ chiều nay, ĐB HĐND TP gọi việc này không khác tình thế tiến thoái lưỡng nan, biết trước "vết xe đổ" mà vẫn phải làm. Bởi trớ trêu ở chỗ, các địa phương, Bộ GTVT đang chờ Chính phủ "chốt" tạm thời dừng thu phí này từ ngày 1/1/2016.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm kể ngay ở quận 9, không chờ đến ngày 1/7 tới TP triển khai đại trà thu phí đường bộ đối với xe máy, người dân đã tự giác đi nộp tiền. Khi tiếp xúc cử tri, bà vỡ ra khi nghe bà con thông báo đã đến tổ khu phố để nộp. Bây giờ hàng loạt câu hỏi đặt ra: Nộp xong thì nộp đi đâu tiếp? Tại sao cán bộ không chuyên ngành lại thu phí? Làm thế nào giám sát được ai nộp ai không nộp?

{keywords}
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm

Có niềm tin vào ý thức chấp hành quy định của người dân nhưng điều bà Chủ tịch HĐND lo lắng, đó là thế kẹt của TP.HCM - địa phương triển khai thu phí muộn nhất trong cả nước. Từ nay đến cuối năm chỉ còn vài tháng, nếu đang thực hiện mà kiến nghị tạm dừng của Bộ GTVT và các địa phương được Chính phủ chấp thuận thì lúc đó TP lâm vào tình cảnh trớ trêu. Có thể nhìn thấy hệ quả lãng phí công sức, thời gian, tiền bạc của bộ máy và đối tượng chịu tác động lớn nhất là người dân.

Nhưng nhìn ngược lại, đến thời điểm này, TP cũng không còn "đường lùi". Bởi nghị định 18 của Chính phủ về phí đường bộ đang còn hiệu lực. Điều đó có nghĩa TP không thể không thực thi. 

Dở ương, lo vết xe đổ

Chủ tịch HĐND TP trong phiên họp tổ chiều nay nhắc lại nghị định 18 có hiệu lực từ 2013 nhưng "lỗi" của TP là đến cuối 2014 mới bàn thực hiện. "Như vậy là quá chậm so với các tỉnh, thành khác, tính nghiêm minh chấp thành thực thi pháp luật của HĐND, UBND phải rút kinh nghiệm" - bà Quyết Tâm nói.

Sự chậm trễ của TP lớn nhất nước có thể dễ hiểu, đó là họ nhìn vào thực tiễn của các địa phương đi trước thực hiện. Bà Quyết Tâm cho hay, nếu như năm 2013, các địa phương thu được trên 21% thì đến 2014 giảm và đến 6 tháng năm nay thu phí rất khó khăn. Có nhiều bất hợp lý được các địa phương báo cáo lên TƯ.

Có gương của các địa phương đi trước nên khi đặt lên bàn tính toán thực hiện, TP.HCM càng thận trọng vì đối tượng chịu tác động trực tiếp là người dân. Đúng là chuyện không thể đùa ở thành phố đông dân nhất cả nước. Theo số liệu thống kê, số xe máy đăng ký ở TP tính đến hết năm 2014 là 6.853.485 xe. Như vậy, kinh phí dự kiến thu vào khoảng 307 tỉ đồng/năm, trong đó, chi phí để lại cho đơn vị thu là 35,9 tỉ đồng, kinh phí bảo trì đường bộ là 271,1 tỉ đồng.

Kỳ họp của HĐND TP năm 2014 lần đầu bàn thực hiện việc thu phí đã không thể thông qua được nghị quyết. Hàng loạt câu hỏi của các ĐB dân cử đặt ra khiến UBND TP buộc phải thận trọng tính toán lại. Bản nghị quyết của HĐND TP cuối cùng chỉ được thông qua vào kỳ họp bất thường diễn ra trong ngày cuối cùng của năm 2014 để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của chính sách, pháp luật.

{keywords}
Đại biểu Lâm Thiếu Quân

ĐB Lâm Thiếu Quân mô tả tình thế của TP là tiến thoái lưỡng nan, không làm thì không chấp hành pháp luật. Nhưng nếu đi tới thì dễ bước vào "vết xe đổ" của địa phương khác. Ông cũng chỉ ra 2 thách thức, đó là không có quy định chế tài xử phạt nên việc kiểm soát phương tiện chấp hành đóng phí chưa nghiêm (Thông tư 133 của Bộ Tài chính chưa khả thi, khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan công an mà do cơ quan thuế, thanh tra Sở chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện).

Bên cạnh đó, không có hệ thống công nghệ về thu phí nên khó tránh thất thoát, tiêu cực. Mặc dù TP đang chuẩn bị xây dựng phần mềm điện tử nhưng cho đến hết năm nay vẫn chưa thể xong. 

Cách thu nào?

Bà Quyết Tâm nhắc các ĐB HĐND rằng TP vì cân nhắc lợi ích cho người dân đã nhìn vào các khó khăn của địa phương khác để cân nhắc. Trong khi chưa thể rõ khó khăn đặc thù của chính mình để kiến nghị TƯ sửa đổi chính sách. Bởi thế ngay sau câu chuyện nhiệt tình tự nguyện thu phí sớm của quận 9, bà đã đề nghị UBND báo cáo để nắm rõ. Chỉ khi thực hiện phát sinh khó khăn thì TP mới có thể báo cáo, đề xuất tháo gỡ lên Chính phủ.

{keywords}
ĐB Nguyễn Văn Đua

"Nhưng 2 việc này khác nhau, khó khăn báo cáo xin ý kiến khác việc phải chấp hành pháp luật. Nếu HĐND có thẩm quyền thì chúng tôi muốn đưa ra quyết định là không thu theo cách như vậy. Bây giờ không phải đặt vấn đề thu phí đối với xe mô tô, mà vấn đề là cách thu như thế nào? Có đảm bảo tính khoa học, công bằng, minh bạch? HĐND quan tâm nhất là vậy" - bà nói.

ĐB Nguyễn Văn Đua đồng tình khó có thể né tránh vì nghị định 18 vẫn còn hiệu lực. Song ông kỳ vọng TP phát huy thế mạnh năng động, sáng tạo của mình, tổ chức thực hiện sao cho hợp lý, tăng cường giám sát thu, đặc biệt đảm bảo thu đúng mục đích, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Những bất cập, phát sinh trong triển khai sẽ là cơ sở để TP báo cáo TƯ.

{keywords}
Thu phí bảo trì đường bộ xe máy thành nội dung trung tâm kỳ họp HĐND

Bà Chủ tịch HĐND TP thì còn nỗi lo lắng là QH đang xem xét dự luật Phí và lệ phí mà trong danh mục đính kèm luật có phí bảo trì đường bộ khiến nhiều ĐBQH lên tiếng và kiến nghị loại bỏ khỏi luật. "Có thể dân nắm bắt điều này mà trông chờ cho đến khi luật thông qua mới xem xét đóng hay không đóng phí" - bà nói.

Ngày mai, kỳ họp HĐND TP sẽ nghe ý kiến của các ĐB. Dù tâm tư chung của người dân và ĐB đều mong muốn dừng thu loại phí này.

Xuân Linh - Đinh Tuấn