Tại Đề án phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, tỉnh Trà Vinh đã xác định mục tiêu trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào năm 2030.
Theo Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Trà Vinh phấn đấu có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tầm nhìn đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng ĐBSCL, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng.
Để thực hiện mục tiêu trên, Trà Vinh đã đề ra nhiều nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, sẽ tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm ngành gồm: Công nghiệp biển và ven biển; khai thác, nuôi trồng thủy sản và du lịch biển.
Trà Vinh là 1 trong 2 địa phương tại khu vực ĐBSCL được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 – 2020; và Khu kinh tế Định An là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển của cả nước được Chính phủ chọn để thành lập khu kinh tế.
Đây là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp với diện tích 39.020 ha, hiện có 47 dự án với tổng vốn đăng kí khoảng 154.740 tỉ đồng, nằm trên địa bàn huyện Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.
Một trong những thế mạnh và điểm sáng của ngành công nghiệp tỉnh Trà Vinh đó là năng lượng tái tạo. Trà Vinh là vùng đất giàu tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng.
Theo kết quả khảo sát của các chuyên gia, nhà khoa học, tiềm năng về nguồn năng lượng điện gió của tỉnh đạt đến công suất hơn 46.500 MW. Hiện nay, tỉnh có 5 dự án điện gió đã đi vào vận hành thương mại, hòa vào lưới điện quốc gia, tổng công suất 322MW và 1 dự án điện mặt trời công suất 140MW. Ngoài ra, Trà Vinh cũng đang triển khai đầu tư 4 dự án điện gió, công suất khoảng 344MW và 1 dự án điện sinh khối công suất 25MW.
Tỉnh Trà Vinh cũng đang đứng đầu toàn quốc về chỉ số xanh PGI và cũng là nơi được đầu tư xây dựng nhà máy hydro điện xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam. Nhà máy được xây dựng tại khu kinh tế Định An; dự kiến sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đạt sản lượng 24.000 tấn hydro/năm, 195.000 tấn oxy/năm.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết, Trà Vinh có bờ biển dài hơn 65km, có rất nhiều tiềm năng thuận lợi phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió trên bờ và ngoài khơi. Đến nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 9 dự án điện gió với tổng công suất 666 MW, đã đưa vào vận hành 1 dự án điện mặt trời, công suất 140MW và đang triển khai 1 dự án điện sinh khối, công suất 25MW.
Theo vị Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, đây mới chỉ kết quả khởi đầu, so với tiềm năng hiện có, Trà Vinh còn rất nhiều cơ hội để đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Trà Vinh cũng không ngừng triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp và đô thị ven biển. Trong năm 2023, tỉnh thu hút được 12 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó có 6 dự án đầu tư vào các huyện ven biển với tổng vốn 412,2 tỷ đồng, thuộc các lĩnh vực về nông nghiệp, công nghiệp điện, xăng dầu, khu neo chờ tàu,...
Lĩnh vực dịch vụ logistics ngày càng được quan tâm đầu tư. Trong 51 dự án kêu gọi đầu tư trong năm 2023 có 3 dự án liên quan đến lĩnh vực logistics là: hạ tầng kỹ thuật khu kho ngoại quan 101 ha; hạ tầng kỹ thuật khu phi thuế quan 501 ha; kho lạnh, kho cấp bảo quản nông sản Trà Điêu 0,7 ha.
Ngoài ra, Trà Vinh cũng định hướng thu hút đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông ven biển, sản xuất, thương mại - dịch vụ.
Theo Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024 của tỉnh Trà Vinh, năm 2024, Trà Vinh sẽ kêu gọi đầu tư 32 dự án. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư phát triển mạnh về kinh tế biển như năng lượng tái tạo, hậu cần cảng biển, dịch vụ logistics, nông nghiệp, thủy sản, chế biến nông, thủy sản,... Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm miền Nam, hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.
Trà Vinh định hướng thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường hoạt động tiếp cận, kết nối các nhà đầu tư lớn, đứng đầu các chuỗi cung ứng để kịp thời thu hút được các dự án lớn, trọng điểm, có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực tỉnh ưu tiên, như công nghiệp biển, nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, du lịch biển, đóng tàu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ,....
Hải Yến