Ông Luis Fernando Garcia Agraz - Trưởng ban kiểm soát CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) vừa có đơn kiến nghị gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM về những vấn đề nội bộ cổ đông lớn và lãnh đạo công  ty.

Ban kiểm soát (BKS) Coteccons cho biết, Ban điều hành (BĐH) doanh nghiệp đã không thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin đối với báo cáo của BKS một cách trung thực chính xác trong các Báo cáo quản trị công ty và Báo cáo thường niên 2019.

Theo văn bản này, ngày 21/1/2020, BKS soạn gửi cho thư ký HĐQT bản báo cáo quản trị công ty. Tuy nhiên, khi báo cáo trên được công bố vào ngày 30/1/2020, phần báo cáo của BKS đã bị chỉnh sửa, cắt bỏ, "thậm chí trái ngược với bản gốc" của BKS.

Ngày 5/5, BKS gửi lên HĐQT báo cáo thường niên về phần liên quan của bộ phận này. Tuy nhiên, ngày 29/5, ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc Coteccons, ký công bố thông tin về Báo cáo thường niên năm 2019, trong đó phần báo cáo của BKS hoàn toàn khác với bản báo cáo do bộ phận này soạn thảo trước đó.

BKS Coteccons cho rằng, BĐH Coteccons đã không công bố thông tin một cách trung thực, chính xác như quy định của Thông tư 155 của Bộ Tài chính. Nghiêm trọng hơn, BĐH còn mạo danh BKS để soạn thỏa toàn bộ phần báo cáo của BKS trong báo cáo thường niêm 2019.

{keywords}
Một văn bản của BKS Coteccons.

Ngoài ra, trong văn bản gửi đến các cơ quan chức năng, BKS Coteccons cho rằng BĐH Coteccons vi phạm trách nhiệm trung thực và tránh xung đột lợi ích của người quản lý doanh nghiệp.

Theo đó, BKS cáo buộc một số quản lý cao cấp của Coteccons và người có liên quan của họ nắm giữ quyền sở hữu đáng kể tại các công ty khác là đối thủ cạnh tranh của Coteccons hoạt động trong cùng ngành nghề kinh doanh với Coteccons hoặc các ngành nghề kinh doanh liên quan.

Cụ thể, theo BKS Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương, hiện là chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật Coteccons và đông thời là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, trước đây là CTCP Đầu tư Xây dựng địa ốc F.D.C với tỷ lệ sở hữu là 49%.

Bà Huỳnh Thị Tuyết, vợ ông Nguyễn Bá Dương là cổ đông sáng lập của CTCP BM Windows (BM Windows) với tỷ lệ sở hữu là 60%.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, con ông Nguyễn Bá Dương là cổ đông sáng lập Công ty TNHH HOHO DÉCOR (Boho) được thành lập ngày 5/8/2019 với tỷ lệ góp vốn 40%.

Ông Nguyễn Xuân Đạo, em của ông Nguyễn Bá Dương, tham gia vào một số công ty như: cổ đông sáng lập Newtecons (34%), cổ đông sáng lập BM Windows (10%), cổ đông sáng lập CTCP Vật liệu và Giải pháp Sol, với tỷ lệ sở hữu 29,9%...

{keywords}
Ông Nguyễn Bá Dương, chủ tịch Coteccons.

Ông Trần Quang Quân hiện là phó TGĐ Coteccons có giữ các lợi ích liên quan trong nhiều công ty: cổ đông sáng lập Newtecons (17%), chủ tịch HĐQT Ricons, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Coteccons.

Ông Ngô Thanh Phong, hiện là Chánh văn phòng Coteccons, là cổ đông sáng lập của BM Windows với tỷ lệ sở hữu 10%.

Cũng theo văn bản, ông Nguyễn Sỹ Công, thành viên HĐQT và TGĐ Coteccons nắm giữ 0,8% Ricons; ông Trần Quang Quân nắm giữ 8,2% Ricons; bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc (vợ ông Dương) nắm gữi 15,4% Ricons (tại thời điểm 2015)...

Các nội dung tố cáo mà BKS nhắc đến tương tự như những vấn đề mà cổ đông lớn Kusto đã đề cập tới trong thông cáo trước đây.

Vài năm gần đây, mâu thuẫn nội bộ Coteccons lên cao, doanh nghiệp gặp khó khi giá cổ phiếu giảm mạnh làm vốn hóa bốc hơi khoảng 10 ngàn tỷ đồng. Căng thẳng lên đnh điểm trong khoảng 2 tuần qua, có 3 nhóm cổ đông ngoại đặt vấn đề loại bỏ những lãnh đạo của doanh nghiệp này.

Thông tin mới đây cho thấy, thêm 1 quỹ đầu tư lâu năm - quỹ PXP Vietnam Emerging Equity Fund bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ các hành động của Kustocem và The8th đối với các vi phạm liên tục về quản trị doanh nghiệp và xung đột lợi ích tại Coteccons.

Trước đó, hai cổ đông ngoại lớn tại CTD là The 8th Pte Ltd (The8th) và Coteccons đã yêu cầu bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương (chủ tịch và đại diện pháp luật của CTD) và ông Nguyễn Sỹ Công (thành viên HĐQT và TGĐ của CTD).

Tính cả cổ quỹ PXP mới thì bên ủng hộ đã nắm ít nhất 49% quyền biểu quyết của Coteccons.

Ở chiều ngược lại, lãnh đạo Coteccons cho rằng nhóm cổ đông này tận dụng ưu thế về tỷ lệ sở hữu vượt trội, đã đi ngược lại những thỏa thuận ban đầu khi góp vốn vào năm 2012. HĐQT cũng đã họp và có công văn giải thích chi tiết cho nhóm cổ đông này, nội dung bác bỏ yêu cầu vô lý, lập luận vô căn cứ và không có cơ sở pháp lý.

Trên thị trường chứng khoán đầu giờ sáng 15/6, chỉ số VN-Index hồi phục nhẹ sau một đợt lao dốc. Nhiều cổ phếu blue-chips hồi phục. Cổ phiếu CTD tăng nhẹ trở lại.

Theo BVSC, trong tuần mới, VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 840-845 điểm. Chỉ số dự báo có thể xuất hiện sự hồi phục tăng điểm để tiến đến thử thách vùng kháng cự 883-891 điểm trong những phiên đầu tuần. Về tổng thế, BVSC vẫn bảo lưu quan điểm, sau khi xuyên thủng ngưỡng kháng cự trên, thị trường nhiều khả năng sẽ bước vào nhịp giảm ngắn và có thể lùi về vùng hỗ trợ mạnh 800-820 điểm trong ngắn hạn. Một sự phá vỡ ngưỡng hỗ trợ quanh 840 điểm sẽ là tín hiệu xác nhận cho khả năng bước vào nhịp giảm điểm ngắn hạn của thị trường. Ngoài ra, trong tuần tới, thị trường có thể xuất hiện các phiên biến động mạnh do tác động của các hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs và đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 6.

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu. Nhà đầu tư đã tiếp tục đứng ngoài thị trường để chờ đợi các tín hiệu xu hướng rõ ràng hơn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/6, VN-Index giảm 3,85 điểm xuống 863,52 điểm; HNX-Index tăng 0,85 điểm lên 116,91 điểm. Upcom-Index tăng 0,01 điểm lên 55,95 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 8,8 ngàn tỷ đồng.

V. Hà