Những năm được sống ở Hà Nội, hoa đào đều theo tôi về miền Nam ăn Tết. Bố mẹ tôi là những người Bắc di cư - trân trọng lắm khi có hương vị Bắc, Nam trong ngôi nhà mình vào dịp năm mới.
Cách đây đúng hai mươi hai năm, tôi được đón Tết đầu tiên tại Hà Nội. Mưa phùn rả rích, gió lạnh buốt xương. Tôi co ro vì không đủ quần áo ấm, nôn nao thèm và nhớ nắng phương Nam. Đang ngồi cạnh Hồ Gươm nhìn dòng người tất tả, bất chợt thấy một cô gái đang ngồi sau xe đạp – tay của cô hồng lên dưới những nụ hoa chúm chím của một nhành cây. Mặt cô cũng hồng lên rạng rỡ.
Từ lúc đó, tôi quên rét, quên mưa, mải mê ngắm hoa đào – một loại hoa mình chưa từng biết đến. Hoa rạng rỡ ra phố cùng những người bán hàng rong. Hoa mỉm cười từ những đôi quang gánh hoặc đằng sau những chiếc xe đạp. Hoa chúm chím hôn lên làn gió đang khẽ ửng. Hoa e lệ nấp sau những chiếc lá xanh, rồi thu hết tinh hoa của đất trời, ngời lên sắc hồng, sắc đỏ, tỏa nắng cho một mùa xuân mới. Mỗi bông hoa, nhành hoa đều mang một vẻ đẹp riêng.
Tôi sẽ không bao giờ quên được sự trang nhã của cái Tết đầu tiên ở Hà Nội, nơi cạnh bàn thờ của mỗi gia đình tôi đến thăm đều có một nhành đào, hoặc cả một cây đào còn nguyên gốc rễ đang rạng rỡ tô điểm cho Tết bằng chính sức sống diệu kỳ của thiên nhiên. Với tôi, hoa đào thật huyền bí và lạ kỳ. Chúm chím trên cành thật lâu, nở bung, rồi đến khi tàn và rơi xuống đất, những cánh hoa vẫn cứ hồng hào, vẫn cứ mơn mởn tươi nguyên sức sống.
Sau này, khi được sống ở Hà Nội, tôi hay lang thang ở những vườn đào ở Nhật Tân, Quảng bá, Tứ Liên. Vườn đào đẹp cả khi chưa nở hoa. Những vòm lá xanh ngắt, rì rào, những thân cây vươn lên trời cao, xuyên qua mưa nắng. Tôi thích ngồi yên lặng ngắm bàn tay của những người trồng hoa. Họ vun vén từng hạt đất, tỉa từng chiếc lá, chăm bón từng gốc cây bằng tình yêu, bằng sự say mê, và bằng cả hy vọng cho một ngày mai sáng hơn, tươi tốt hơn.
Nhìn những giọt mồ hôi của người trồng hoa ướt đẫm lưng áo bạc màu, tôi hiểu thêm về sức sống của những cành đào khẳng khiu, những cành cây chắt hết nhựa sống của mình cho những bông hoa. Hàng năm, những cành đào ấy vẫn vượt hàng nghìn cây số trên những chuyến bay, những chuyến tàu, những chuyến xe, rồi kiêu hãnh nở bừng hương vị mùa xuân Hà Nội khắp mọi nẻo xa.
Đào Hà Nội thắp ngời những căn nhà ở Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Cần thơ, Bạc Liêu…vào dịp tết. Những người chủ của những căn nhà đó đều đón Tết với một niềm tự hào và xúc động đặc biệt.
Những năm tôi được sống ở Hà Nội, hoa đào đều theo tôi về miền Nam ăn Tết. Bố mẹ tôi là những người Bắc di cư - trân trọng lắm khi có hương vị Bắc, Nam trong ngôi nhà mình vào dịp năm mới. Ở sân bay, những người bạn nước ngoài của tôi hỏi tại sao người Việt cứ phải đem những cành cây cong queo, cồng kềnh, bị đánh cước vận chuyển rất cao này vào tít miền Nam.
Hoa ở miền Nam có bao nhiêu loại đẹp, đào Đà Lạt cũng chẳng thua gì, và cước vận chuyển mấy trăm nghìn đồng cho một cành đào Hà Nội có thể mua được mấy cành đào Đà Lạt. Tôi chỉ cười mà không thể giải thích về điều huyền bí, thiêng liêng của Tết Việt – cũng như cảm giác diệu kỳ khi thấy những nụ đào Hà Nội nở bung trong nắng phương Nam.
Tết nào, khi về TP Hồ Chí Minh, tôi cũng cùng bố đi chợ hoa. Ở khu vực chợ hoa Gò Vấp là vựa hoa của thành phố, bao giờ cũng có một khu vực bán đào Hà Nội. Đó là một khu vực thường đứng riêng lẻ, khá lặng lẽ so với sự ồn ào náo nhiệt của những khu vực khác. Người mua thường là những người gốc Bắc, cũng có cả những người gốc Nam đã chót si mê vẻ đẹp kín đáo, lặng thầm của hoa đào Hà Nội.
Tôi học cách họ chọn hoa: đứng đằng xa lặng lẽ ngắm rồi đến thật gần để xem nụ, xem lá, xem thế đứng của cành, của cây. Họ như đang tìm kiếm những dấu hiệu tốt lành của một mùa xuân mới. Rồi tôi ngắm họ đem theo hoa đào Hà Nội hòa vào dòng người tất tả ngược xuôi. Nhưng còn vương đâu đây nụ cười của họ, như thể nói với tôi rằng, cuối cùng, họ đã đón được mùa xuân về trên tay.
Vài năm về trước, vào chiều ba mươi Tết, tôi đã gặp ở chợ hoa Gò Vấp một gia đình gồm vợ chồng con cái. Họ đã đem tài sản quý nhất của mình với hàng trăm gốc đào Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Chỉ còn 7 giờ đồng hồ nữa là giao thừa. Họ đang bán đổ bán tháo những gốc đào, cành đào còn lại để bắt kịp chuyến máy bay về Hà Nội, để kịp thắp hương bàn thờ tổ tiên vào giờ phút thiêng liêng của năm mới. Vừa quệt mồ hôi trán, họ vừa nói với tôi rằng dù vất vả, họ rất may mắn khi đem đào vào TP Hồ Chí Minh năm nay.
Đào ở Hà Nội đang mất trắng vì giá rét. Chỉ có nắng ấm của miền Nam mới có thể cứu vãn cho những nụ hoa mà họ đã dồn tất cả công sức, sự say mê và hy vọng trong một năm qua.
Tôi đã mua của họ những cành đào, và cũng được họ tặng thêm nhiều những cành còn lại.Tết ấy, hoa ngập căn nhà nhỏ của chúng tôi. Hoa nở tràn tầng một, tầng hai, ban công. Hoa theo tôi vào giấc ngủ. Tôi chưa bao giờ được đón một mùa xuân nào đẹp và rực rỡ đến thế. Nhưng đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy sự gian khổ và đánh đổi, hy sinh của những người trồng hoa trên mỗi cánh hoa tươi mởn.
Năm nay, công việc và cuộc sống đưa tôi đi trên một hành trình mới, và tôi ở bên kia đại dương khi mùa xuân đến. Trong giấc mơ của tôi về Tết, tôi được thẩn thơ dạo chơi giữa một vườn đào Hà Nội, giữa những nụ hoa e ấp bình minh của một năm mới. Những nụ hoa đang nở riêng cho tôi, gọi tôi hãy gác lại tất cả sự bận rộn của cuộc sống để có thể cảm thấy hương vị của mùa xuân đang dâng lên, đang chảy tràn sắc thắm.
Nguyễn Phan Quế Mai