Tại Đại hội Thi đua yêu nước Bộ TT&TT lần thứ IV (2020 – 2025) diễn ra chiều 12/10 ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra nhiều thông điệp để truyền cảm hứng tới từng cá nhân trong ngành.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Chỉ có xuất sắc thì mới bứt phá vươn lên và thay đổi được thứ hạng. Bởi vậy, thi đua là để tiến tới sự xuất sắc. Và chỉ có khát vọng xuất sắc, có mục tiêu xuất sắc thì mới cần đến thi đua".

Trước yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Trước hết, việc 5 năm hãy làm 1 năm. "Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc. Yêu nước tức là góp phần mình để làm cho Việt Nam phát triển hùng cường thịnh vượng vào năm 2045. Yêu nước là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Yêu nước tức là phát triển và quản lý tốt báo chí, xuất bản. Vì yêu nước mà phải đặt mục tiêu cao, tìm giải pháp đột phá. Và vì mục tiêu cao mà phải thi đua. Và chỉ khi đó mà có phong trào thi đua sôi nổi, tạo ra những giá trị lớn lao".

Việc vĩ đại sẽ tạo nên người vĩ đại. Công việc hàng ngày của mỗi người chính là nền tảng của thi đua. Thi đua là việc của mỗi người. Hãy giao việc lớn cho nhóm nhỏ. Hãy giao việc lớn cho mỗi cá nhân. Việc càng lớn, càng thách thức thì cơ hội xuất hiện nhân tài càng lớn.

Thi đua là để tạo ra giá trị. Thi đua phải có mục tiêu, có tiêu chí rõ ràng, tạo ra giá trị và giá trị tăng thêm.

Thi đua cũng phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng cá nhân góp phần xây dựng nên từ chính nhiệm vụ hàng ngày, tự thấu hiểu mục tiêu của mình là gì, làm thế nào để đạt được, để có thể tự giác, tự nguyện thực hiện mỗi ngày. Bởi vậy phải tuyệt đối tránh sự chung chung.

Việc là gốc của thi đua. Phải có việc mới có thi đua. Việc không đến mức phải thi đua thì sẽ không có thi đua. Lãnh đạo các cấp phải coi việc nghĩ ra việc, nghĩ ra thách thức đúng - là những việc có tầm nhìn đúng, khác biệt và đột phá, tạo ra nhiều giá trị cho ngành, cho nhân dân, cho xã hội, cho đất nước - để làm tiền đề cho thi đua yêu nước.

Thi đua là toàn dân, thi đua là để phát triển từng cá nhân. Phong trào thi đua cần liên tục đổi mới, sáng tạo để khích lệ tinh thần thi đua trong tất cả các cơ quan, đơn vị và nhất là trong mỗi người.

Thi đua là để tìm ra và nhân lên giá trị. Sau các phong trào thi đua, mỗi người, mỗi đơn vị cần phải rút ra được những bài học kinh nghiệm cho mình từ đồng nghiệp, từ đơn vị bạn. Việc phổ biến kinh nghiệm và bài học, nhân rộng điển hình sẽ tạo ra giá trị cấp số nhân. Mà mục tiêu cuối cùng của thi đua là để tạo ra giá trị cho đất nước phát triển, và thông qua đó để mỗi cá nhân phát triển bản thân mình.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chỉ có xuất sắc thì mới bứt phá vươn lên và thay đổi được thứ hạng. Bởi vậy, thi đua là để tiến tới sự xuất sắc. Và chỉ có khát vọng xuất sắc, có mục tiêu xuất sắc thì mới cần đến thi đua.

(Mời độc giả xem toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Đại hội thi đua yêu nước của ngành lần thứ IV (giai đoạn 2020-2025) diễn ra chiều 12/10 tại đây)