Lắp ráp giản đơn

Theo Bộ Công Thương công nghiệp hỗ trợ ô tô đến nay vẫn chưa phát triển. Hiện chỉ có một vài nhà cung cấp trong nước, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe,... Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống còn thấp, mới đạt bình quân khoảng 10-20%...

Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), để lắp ráp một chiếc xe, DN phải nhập khẩu tới 80% linh phụ kiện. Nếu chia các mốc nội địa hóa linh phụ kiện của chiếc xe thành 4 cấp độ, từ đơn giản đến phức tạp và công nghệ cao, với tỷ lệ 20% - 20% - 20% - 40%, thì dòng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống phổ biến ở mức 10-20%, nghĩa là đang ở cấp độ đầu tiên.

{keywords}
Để DN ô tô lẫn nhà cung ứng hào hứng gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, yếu tố quan trọng nhất chính là sản lượng

Sản xuất, lắp ráp xe trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi hay hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Bất lợi của các DN sản xuất linh phụ kiện ô tô tại Việt Nam là quy mô, sản lượng nhỏ và nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong nước không đáp ứng được. Thực tế này ảnh hưởng đến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam. Các linh kiện như nhựa và thép bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố sản lượng. Chi phí sản xuất các chi tiết này ở Việt Nam cao hơn gấp 2-3 lần các nước trong khu vực. 

Theo ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, để DN ô tô lẫn nhà cung ứng hào hứng gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, yếu tố quan trọng nhất chính là sản lượng.

Cứ nhìn ngành công nghiệp xe máy sẽ thấy. Hiện tỷ lệ nội địa hóa với các mẫu xe máy tại Việt Nam đều đạt từ 70-90%, nhập khẩu linh kiện rất ít. Đó là do thị trường xe máy có quy mô lớn với hơn 3 triệu chiếc/năm. Với quy mô này, các DN xe máy và linh kiện có lợi thế để đẩy mạnh sản xuất tại chỗ, gia tăng nội địa hóa, tạo nên ngành công nghiệp phát triển.

Với ngành công nghiệp ô tô thì không được như vậy. Hiện tại, sản lượng ô tô từ 9 chỗ trở xuống lắp ráp trong nước, mới chỉ đạt con số 250.000 xe/năm. Con số này lại chia cho hàng chục mẫu xe khác nhau. Vì vậy, hầu hết các mẫu xe đều có sản lượng thấp. Mẫu xe có sản lượng cao nhất chỉ đạt 27.000 chiếc/năm. Trong khi đó, theo tính toán, để sản xuất hiệu quả, mỗi mẫu xe phải đạt quy mô 50.000 chiếc/năm. Với sản lượng như hiện nay, sẽ phải mất nhiều năm nữa, ngành công nghiệp ô tô mới có thể khắc phục hết bất lợi để chuyển hóa thành lợi thế, ông Toru Kinoshita nói.

Ngày càng bất lợi

Yêu cầu phải tăng nhanh sản lượng, nhưng xe trong nước lại gặp bất lợi, đó là thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN đã về 0%. Tương quan sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu đang thay đổi đáng kể. Xe nhập khẩu ngày càng tràn về nhiều, trong khi xe lắp ráp trong nước bị giảm sản lượng. Như vậy muốn tăng sản lượng cũng không hề dễ dàng.

{keywords}
Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước không đáp ứng được, Việt Nam sẽ phải chi từ 12 tỷ USD -21 tỷ USD để nhập khẩu ô tô mỗi năm

Từ đầu năm đến nay, phân khúc xe cá nhân từ 9 chỗ ngồi trở xuống, đang có tăng trưởng trên 30%, nhưng tỷ lệ này nghiêng về xe nhập khẩu nguyên chiếc. Chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước không cạnh tranh được với xe nhập khẩu từ ASEAN và các DN đang chuyển hướng sang nhập khẩu.

Thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn vào thời điểm 2030. Hiện thuế nhập khẩu ô tô từ các nước khu vực ASEAN đã giảm xuống còn 0%. Năm 2018, Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (CPTPP) cam kết giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 7-9 năm nữa. Mới đây, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) cũng cam kết giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 9-10 nữa.

Theo giới chuyên môn, trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và mở cửa thị trường ô tô, nếu cứ lắp ráp như hiện nay, chỉ có thể duy trì đến năm 2025. Sau thời điểm này, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ khó tồn tại và thị trường sẽ bị thôn tính.

Muốn ngành ô tô lớn mạnh, có sức cạnh tranh với xe nguyên chiếc nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu, cần phải đẩy mạnh nội địa hóa. Tuy nhiên, đến nay công nghiệp hỗ trợ rất yếu kém. Đây là bất lợi rất lớn. Liệu sau 5 năm nữa có thể đảo ngược tình thế này?

Theo tính toán của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt khoảng 1 triệu xe sau năm 2025 và từ 1,5-1,8 triệu xe sau năm 2030. Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước không đáp ứng được, Việt Nam sẽ phải chi từ 12 tỷ USD -21 tỷ USD để nhập khẩu ô tô mỗi năm.

Trần Thủy