Thạc sĩ thất nghiệp

Vừa qua, chính quyền cấp huyện ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ra thông báo tuyển dụng đối với vị trí giám sát phân loại rác. Điều đáng chú ý, vị trí công việc chỉ yêu cầu bằng cao đẳng, nhưng nhiều cử nhân ĐH và thạc sĩ đã nộp đơn ứng tuyển. 

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, sở dĩ những người có trình độ cao ứng tuyển vào công việc này do họ không tìm được việc làm. "Không có lý do gì để từ chối", một người ứng tuyển vào công việc này cho biết. Do đó, câu chuyện về những người lựa chọn công việc không liên quan đến bằng cấp và trình độ học vấn đã mở ra cuộc bàn tán sôi nổi thời gian gần đây. 

Trung Quốc có khoảng 900 triệu người lao động với trình độ học vấn đang tăng lên. Nhiều cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ nhận thấy tài năng của họ đang bị lãng phí vì không thể tìm được công việc phù hợp với bằng cấp.

Trước thực trạng này, chính phủ Trung Quốc nói chung và các TP lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh nói riêng, đang nỗ lực tạo thêm việc làm lên hàng đầu trong các kế hoạch vào nửa cuối năm 2023.

Lưu Mạo Mạo, 25 tuổi, vừa tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường ĐH ở Hà Nam, Trung Quốc. Giống nhiều cử nhân khác, cô cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. 

"Tôi hy vọng tìm được công việc đòi hỏi nhiều năng lực để làm như bán hàng. Đây là công việc đòi hỏi nhiều tư duy và đổi mới hơn", cô nói. 

Lưu Mạo Mạo cảm nhận rõ sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường việc làm. Có bằng thạc sĩ ngành Quản lý Du lịch, cô mong muốn làm việc trong doanh nghiệp nhà nước. 

Trường hợp không tìm được việc trong nhà nước, cô muốn giảng dạy tại trường cao đẳng công lập. Tuy nhiên, Lưu Mạo Mạo chưa có bằng tiến sĩ có thể khiến cho việc làm tại đại học, cao đẳng công lập khó khăn hơn.

Cô cho biết, một số bạn bè vừa tìm được việc làm trước và ngay sau khi tốt nghiệp đều hài lòng. Họ chấp nhận làm việc, kể cả khi không sử dụng kiến thức và chuyên môn đã tích lũy trong quá trình học.

Do đó, nhiều thanh niên Trung Quốc chỉ quan tâm tìm được việc, dù là vị trí nào. Điều này không ngạc nhiên, khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này trong độ tuổi 16-24 ở thành thị tiếp tục tăng lên 21,3% vào tháng 6. Con số này vượt quá trước đó, hồi tháng 5 vào khoảng 20,8%.

Làm thế nào để sử dụng nhân tài hiệu quả?

Trước thực trạng trên, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như chất lượng giáo dục ĐH, chuyên ngành của sinh viên và cơ hội việc làm không phù hợp. Điều này khiến lợi nhuận đầu tư giáo dục sụt giảm, theo SCMP.

Ông Châu Triều Huy - nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, cho biết không nhắc đến “lợi tức nhân tài vì nhiều người không tìm thấy đúng vị trí của họ trong công việc”.

Ông nói thêm, số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH đạt mức cao kỷ lục 11,58 triệu năm 2023, không có nghĩa là Trung Quốc đang đào tạo ra nguồn nhân lực doanh nghiệp muốn.

Một giáo sư Nhân khẩu học tại trường Kinh tế của ĐH Nankai cho biết Trung Quốc có đủ lực lượng lao động trình độ cao. Nhưng việc sử dụng hiệu quả nhân tài và bằng cấp lại là vấn đề quan trọng nước này phải chú ý.

“Chúng ta đang chứng kiến những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ đi giao đồ ăn để kiếm sống. Điều này cho thấy, tình trạng không phù hợp giữa đầu ra của hệ thống giáo dục và thứ thị trường cần”, ông nhấn mạnh.