Tại Quảng Trị, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết hằng năm trên địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, sạt, xói lở bờ sông, biển gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Qua thống kê, từ năm 2000 đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thiên tai làm 181 người chết, 368 người bị thương và thiệt hại về tài sản hơn 15.679 tỷ đồng.
Trước thực trạng đó, những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Quảng Trị đã có những phát triển đáng kể, từng bước chuyển từ bi ̣động ̣ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Các địa phương và người dân ngày càng chủ động hơn trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Trong đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu đã được chính quyền địa phương và các cấp, ngành quan tâm thực hiện.
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Trị đã hướng dẫn củng cố, kiện toàn và phát triển nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng; thông tin và truyền thông, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại các cấp; hướng dẫn lồng ghép một số nội dung phòng, chống thiên tai với một số môn học để đưa vào chương trình giảng dạy tại các cấp học.
Mô hình xã điển hình về thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được xây dựng và nhân rộng; lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm phòng, chống thiên tai tại cộng đồng…
Tháng 4/2018, 6 xã thuộc 6 địa phương, gồm: Lào Cai, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk và Đồng Tháp đã triển khai thí điểm Dự án “Xã an toàn về phòng, chống thiên tai”. Mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là ý thức của người dân.
Tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), người dân đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với thiên tai bằng cách chuẩn bị nơi trú ẩn an toàn, chuẩn bị áo phao, nhu yếu phẩm bảo đảm sinh tồn trong nhiều ngày.
Một người dân xã Hòa Nhơn cho biết gia đình anh chọn tầng 2 làm nơi trú ẩn khi có lũ. Ở đó, họ đã chuẩn bị đầy đủ áo phao, các loại nhu yếu phẩm như gạo, muối, nước. Nếu có lụt, gia đình anh yên tâm ở đó khoảng 15-20 ngày chờ lực lượng đến ứng cứu, di dời.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường, ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến các địa phương đã có nhiều phương án hướng dẫn người dân phòng, tránh thiên tai với phương châm 4 tại chỗ và huy động sức mạnh cộng đồng. Công tác phòng, chống thiên tai thời gian gần đây đã có những chuyển biến lớn từ “bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa và phòng ngừa từ xa”.
Cụ thể, trong công tác dự báo thiên tai, nước ta đã rất quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc khí tượng-thủy văn quốc gia và hệ thống thông tin chuyên ngành. Đến nay đã tự động hóa được 3.000 trạm quan trắc khí tượng-thủy văn trên toàn quốc. Các loại hình thiên tai nguy hiểm như mưa lớn diện rộng đã được cảnh báo trước 2-3 ngày, với độ chính xác lên đến 75%.
Theo ông Hải, ngoài đầu tư về khoa học-công nghệ, xây dựng lực lượng trong phòng, chống thiên tai thì công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về thiên tai cũng rất quan trọng. Phải tuyên truyền cho người dân ở vùng có nguy cơ nắm rõ dấu hiệu của các hiện tượng thiên tai, biện pháp để ứng phó.
Bên cạnh đó, với các vùng thường xuyên xảy ra mưa lũ nên xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai tập trung, tận dụng các công trình kiên cố như nhà văn hóa, trường học để làm nơi tránh trú cho người dân khi mưa lũ diễn biến phức tạp.
"Với các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, cần thực hiện song song các biện pháp, gồm: Hướng dẫn người dân cách nhận biết sạt lở đất, cách di chuyển tránh thương vong. Đồng thời, tiến hành quy hoạch các khu dân cư, khu tái định cư để đưa người dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến sinh sống”, ông Hải nhấn mạnh.