- “Chị mệt mỏi quá, không chịu nổi nữa rồi. Thiên hạ độc ác quá em ơi! Chỉ ước sao gỡ bỏ hết được mọi thứ, cho chị lại cuộc sống yên ổn như trước đây”, một nạn nhân của thói chỉ trích tập thể trên mạng xã hội kêu cứu.

Mất ăn, mất ngủ vì “bình loạn”

Người nổi tiếng quen đón nhận dư luận xã hội, họ đã đủ “chai lì” và khôn ngoan để “bỏ ngoài tai” những lời chê bai, dè bỉu, thóa mạ của cư dân mạng. Nhưng với người bình thường, lần đầu tiên hứng chịu làn sóng công kích tập thể thì họ dễ dàng rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ, ám ảnh.

Còn nhớ, tháng 9 năm ngoái, nữ tác giả Mèo Xù đã phải thốt lên với tôi rằng “thiên hạ độc ác quá em ơi” trước những lời thóa mạ của cư dân mạng về quan điểm “không sex trước hôn nhân” của chị. Một quan điểm truyền thống rất đỗi bình thường, nhưng cư dân mạng lại nhìn vào nhan sắc của người nói để chỉ trích. Để rồi cho mình cái quyền sỉ nhục, thóa mạ người khác. Lần đầu tiên đón nhận “rổ đá” của cư dân mạng, nữ tác giả này đã rất stress, có những đêm chị không thể ngủ bởi nỗi ám ảnh về những lời lẽ cay nghiệt dành cho mình.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Ông chủ Bkav Nguyễn Tử Quảng cũng từng thừa nhận trên một bài báo rằng, anh đã bị stress rất nhiều bởi những lời cay nghiệt của cư dân mạng dành cho mình. Đó là thời điểm từ năm 2005, khi anh quyết định thương mại hóa phần mềm diệt virut do mình viết. “Bị “chửi” là nổ, chuyên quăng lựu, quăng bom, tôi stress lắm. Được mọi người gọi là Hiệp sĩ công nghệ thông tin, bác sĩ máy tính cả chục năm, giờ chuyển ngay sang thái cực ngược lại thì bảo không buồn sao được”, anh chia sẻ trên một bài báo.

Những lời công kích ở đời thực chỉ ở phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng xung quanh, nhưng những lời cay độc trên mạng xã hội thì lan truyền với tốc độ chóng mặt, nhân bản với tốc độ ánh sáng, không có biện pháp ngăn chặn. Nạn nhân chỉ có cách duy nhất là đối mặt, chờ dư luận “chán” rồi tự dừng lại.

T. từng là nạn nhân của thói công kích tập thể chia sẻ: “Bị một người chửi, bạn thấy bực và có thể chửi lại. Nhưng cả nghìn người, triệu người lao vào chửi bới một cách vô lý, bạn không biết họ là ai, cũng chẳng hề quen nhau, chẳng có lý do gì họ cho mình cái quyền chửi người khác nhưng họ vẫn tung lời nhục mạ mình. Thậm chí còn vào facebook cá nhân, lấy ảnh/thông tin cá nhân của mình ra phán xét, còn gửi tin nhắn riêng để chửi. Lúc đó bạn sẽ thấy mình bất lực, chỉ có thể nằm im cho họ đâm chém thỏa thích rồi thôi. Phải đến 3 tháng sau, mình mới có thể ngủ ngon được”.

Và những cái chết không đáng có

Mới đây, việc nữ sinh N.T.A.T (15 tuổi) ở Đồng Nai tìm đến cái chết vì bị bạn trai tung clip sex lên mạng xã hội facebook là minh chứng rõ nhất cho hậu quả nặng nề từ áp lực dư luận mạng. Người tung clip đáng trách, nhưng những người chia sẻ, bình luận với nội dung chê trách, mạt sát nữ sinh T. mới thực sự là “lưỡi dao” giết chết em. Xấu hổ, bế tắc, không chịu được những lời bình phẩm lạnh lùng, vô cảm của dư luận, nữ sinh này mới chọn đến cái chết để giải thoát.

Trước đó, không ít nạn nhân cũng đã tìm đến cái chết vì bị bêu xấu trên mạng xã hội. Năm 2013, một nữ sinh lớp 12 ở Thạch Thất, Hà Nội uống thuốc diệt cỏ tự vẫn sau khi bị bạn cùng lớp đùa nghịch bằng cách ghép ảnh em vào một cô gái mặc áo rộng cổ. Cũng trong năm đó, một nữ sinh ở Đà Nẵng đã chọn cho mình cái chết bằng thuốc ngủ sau khi bị một trang facebook đăng bài xuyên tạc, xúc phạm danh dự cùng một chuỗi bình luận có nội dung lăng mạ vô cùng khó nghe. Rất may em được gia đình cứu sống.

Dù chưa có thống kê về những hậu quả do áp lực qua mạng gây ra, nhưng những trường hợp cụ thể trên đây cũng đủ cho ta thấy mặt xấu của mạng xã hội. Điều đáng báo động hơn nữa là thói quen xấu xí này của người xử dụng internet ngày càng có xu hướng gia tăng.

Kim Minh

(còn tiếp)