Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao.

Từ nay đến cuối năm mưa lớn, sạt lở, ngập lụt và bão lũ sẽ nhiều hơn trung bình. Kịch bản này tương đối giống với năm 2020, năm có La Nina hoạt động.

Trên Biển Đông dự báo 5 tháng cuối năm sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Một nửa trong số đó có khả năng tác động đến đất liền nước ta. Bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão, từ tháng 9-11 và dồn dập nhất ở khu vực Trung Bộ.

Đánh giá về công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, TS. Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, bão, áp thấp nhiệt đới là thiên tai rất nguy hiểm đối với nước ta. Chính vì vậy, việc theo dõi, dự báo cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới được đặc biệt chú trọng và không ngừng được đầu tư, phát triển cả về công nghệ quan trắc, dự báo, nguồn nhân lực.

mua ngap Quang Phong.jpg
Do ảnh hưởng của bão số 2, ngày 23/7, TP Hà Nội hứng đợt mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng, đặc biệt là Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Quang Phong 

Theo ông Cường, công tác này đã có bước phát triển vượt bậc và tiệm cận đến trình độ của các nước phát triển về khí tượng thủy văn trên thế giới, trong khu vực cả về xác định khả năng hình thành bão, áp thấp nhiệt đới, thời gian dự báo sớm, hạn dự báo dài, mức độ chi tiết về gió mạnh, gió giật mạnh, vùng nguy hiểm trên biển, vùng ảnh hưởng trên đất liền và hệ quả mưa lớn, sóng biển, nước dâng do bão, áp thấp nhiệt đới...

Nhìn nhận về công tác này, ông Cường nhận xét, nếu năm 2010, ngành vẫn chỉ dự báo bão, áp thấp nhiệt đới được trước 24-48 giờ, thì hiện tại đã nâng lên 3 ngày (72 giờ), cảnh báo đến 5 ngày (120 giờ) với mức độ tin cậy ngày càng tăng. 

Do đó, ông Cường đánh giá, việc dự báo mưa lớn do bão, áp thấp nhiệt đới được cải thiện nên các dự báo lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đáp ứng tốt hơn công tác phòng, chống thiên tai tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.

3 giai đoạn chính trong phòng, chống thiên tai

Ông Cường cho biết, trong công tác phòng chống thiên tai có 3 giai đoạn chính: Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục. Dự báo bão, áp thấp nhiệt đới nhanh, tin cậy có vai trò quan trọng trong cả ba giai đoạn này, đặc biệt là giai đoạn phòng ngừa và ứng phó. 

“Trên Biển Đông, thông thường thời gian từ khi hình thành, phát triển đến khi đổ bộ hoặc tan trên biển của bão, áp thấp nhiệt đới khoảng 3-5 ngày nên công tác ứng phó rất ngắn, rất khẩn trương. Thông tin dự báo càng sớm càng tốt và được tính bằng giờ chứ không tính bằng ngày như các loại thiên tai khác”, ông Cường lý giải.

Do đó, để giúp các phương tiện hoạt động trên biển nhanh chóng thoát ra ngoài vùng nguy hiểm của bão, áp thấp nhiệt đới hoặc vào kịp thời các khu tránh trú an toàn đòi hỏi các thông tin dự báo phải rất sớm, tin cậy về cả vị trí, cường độ, hướng di chuyển và vùng gió mạnh, sóng lớn để các cơ quan chức năng hoặc chủ phương tiện quyết định phương án an toàn nhất.

mua lu.jpeg
Lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên đưa người dân ra khỏi vùng lũ, đợt mưa lớn hồi cuối tháng 7 do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2. Ảnh: Phạm Trung

Trên đất liền, thông tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới khẩn cấp trước 1-2 ngày (đối với bão là 2 ngày, áp thấp nhiệt đới là 1 ngày) với khu vực trọng tâm khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới về gió, sóng, nước dâng, mưa lớn sẽ giúp các địa phương ứng phó kịp thời, phù hợp như sơ tán dân, gia cố, chằng chống nhà cửa, công trình, thậm chí là thu hoạch thủy, hải sản nhằm mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Do vậy, về cơ bản, thiệt hại trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới về người và tài sản trên biển, vùng ven biển được giảm thiểu tối đa trong những năm qua.  

Ngoài ra, theo ông Cường, thông tin nhanh cũng giúp việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, học tập, lịch bay, tuyến đường, du lịch,... 

Ông Cường cũng nhấn mạnh, hiệu quả của công tác phòng chống thiên tai không chỉ có chất lượng dự báo quyết định mà còn ở sự chủ động và hành động sớm của cộng đồng. Điều quan trọng nhất là cần thông tin kịp thời cho lãnh đạo và người dân địa phương về các rủi ro thiên tai. 

Bài toán ứng phó với thiên tai chính là quản trị rủi ro thiên tai; nghĩa là phải lường trước được mức rủi ro có thể từ thấp đến cao; trên cơ sở đó, chuẩn bị công tác ứng phó đầy đủ để dù thiên tai có xảy ra ở mức nào, chúng ta cũng luôn sẵn sàng ứng phó, không bị động trước thiên tai. Điều này thế giới đang làm và Việt Nam cũng đang từng bước triển khai.

Năm 2024 được nhận định tiếp tục là năm có diễn biến thiên tai phức tạp do chuyển đổi giữa hai trạng thái El Nino và La Nina và trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu… Chính vì vậy, ông Cường nhấn mạnh, ngành Khí tượng thủy văn sẽ tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, giám sát và dự báo theo hướng chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống dự báo chủ động, sẵn sàng có các quan trắc bổ sung, tăng tần suất phát tin dự báo để người dân nắm bắt kịp thời khi cần thiết.