Mới đây đầu tháng 9/2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Kế hoạch 74/KH-UBND về triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kế hoạch được ban hành với mục đích xác định vị trí tàu thuyền nhằm quản lý chặt chẽ tàu cá, theo dõi và giám sát thường xuyên tình hình tàu cá đánh bắt trên vùng biển xa bờ.
Kế hoạch cũng là để đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển, hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản khai thác; đồng thời đáp ứng khuyến nghị của liên minh Châu Âu trong việc quản lý khai thác hải sản, chống khai thác bất hợp pháp.
Theo Kế hoạch đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tất cả các tàu cá đánh bắt, hậu cần đánh bắt, chuyển tải thủy sản khai thác vùng khơi có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá thực hiện theo quy định của pháp luật; đảm bảo đến hết tháng 4/2020, 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình.
Với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét, khuyến khích chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá để theo dõi, nắm bắt, chỉ đạo tình hình hoạt động sản xuất, ứng phó với sự cố, thiên tai trên biển. Chủ tàu, thuyền trưởng khi đưa tàu đi sản xuất phải đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng.
Đối tượng tàu cá bắt buộc lắp đặt thiết bị thiết bị giám sát hành trình căn cứ theo Luật Thủy sản số 18/2017/QH14, Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Thiết bị thiết bị giám sát hành trình phải đáp ứng được yêu cầu về công nghệ và tính năng theo quy định tại Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Thông báo số 1008/TB-TCTS-TTTS ngày 4/5/2019 của Tổng cục Thủy sản về việc cung cấp thiết bị thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá.
Việc lựa chọn thiết bị để lắp đặt trên tàu cá là do chủ tàu quyết định trên cơ sở giá cả thiết bị, giá cả dịch vụ, điều kiện bảo hành, bảo trì, hướng dẫn sử dụng,... Kế hoạch thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được chia thành 3 giai đoạn cụ thể.
Theo đó giai đoạn I (trước ngày 1/7/2019) thực hiện đối với nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên; giai đoạn II (trước ngày 1/1/2020) thực hiện đối với nhóm tàu cá làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét; giai đoạn III (trước ngày 1/4/2020) thực hiện đối với nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét hoạt động các nghề còn lại.
Để quản lý chặt các hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên biển, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu sau các mốc thời gian theo lộ trình thực hiện lắp đặt đối với từng nhóm chiều dài lớn nhất của tàu và theo loại nghề hoạt động, nếu các chủ tàu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định sẽ bị thu hồi giấy phép, không cấp phép khai thác thủy sản.
Những tàu không lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá không sẽ không cho xuất bến hoạt động trên biển. Đồng thời tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ xử phạt vi phạm hành chính nghiêm những chủ tàu không chấp hành quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, những tàu lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhưng không mở máy 24/24 giờ, không báo cáo hoạt động không ghi nhật ký khai thác, thu mua và chuyển tải, không báo cáo tình hình hoạt động trên biển, kết quả hoạt động chuyến biển, không chấp hành quy định kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng và tổ chức quản lý cảng cá theo quy định.
Tương tự như vậy ở Quảng Trị, thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Quảng Trị đã và đang tăng cường lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đồng thời kiểm tra và xử lý tàu cá vi phạm.
Theo Trang thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản, hiện nay tỉnh Quảng Trị có trên 2.300 tàu, thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất 125.924 CV. Trong đó, tàu cá dưới 20 CV chiếm số lượng nhiều nhất với 1.780 chiếc; 269 chiếc từ 20 CV đến dưới 50 CV; 34 chiếc từ 50 CV đến dưới 90 CV; và có 232 tàu cá xa bờ từ 90CV trở lên.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Trang thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản. |
Việc lắp đặt thiết bị MOVIMAR cũng là một trong những nỗ lực của tỉnh Quảng Trị trong việc cùng với cả nước nhanh chóng xoá "thẻ vàng" của EC.
Khi được lắp đặt thiết bị này, chủ tàu cá phải bật thiết bị 24/24 giờ trong suốt quá trình đánh bắt hải sản, để kết nối với lực lượng chức trong đất liền theo dõi, giám sát. Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai lắp đặt thử nghiệm hệ thống quản lý tàu cá từ điện thoại vệ tinh, chuẩn bị lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát S-Tracking.
Ngành thủy sản Quảng Trị cũng quyết liệt xử lý tàu cá vi phạm trong khai thác hải sản. Trong hơn 3 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã kiểm tra trên 550 lượt tàu cá, qua đó phát hiện và xử lý 24 trường hợp vi phạm như: dùng kích điện khai thác, hoạt động khai thác không đúng vùng biển đăng ký...
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị, thời gian qua tình hình quản lý hoạt động tàu cá trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, an ninh ngư trường vùng biển được giữ vững. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về khai thác thủy sản vẫn còn xảy ra, nhất là khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chủ yếu là tàu giã cào đôi ngoài tỉnh lén lút khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ).
Một số ngư dân vẫn sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản; chưa ghi nhật kí khai thác thủy sản đầy đủ, chưa đánh dấu tàu cá... đã làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và nguy cơ gây mất an toàn, an ninh, trật tự trong khai thác thủy sản trên biển.
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng tàu cá một số tỉnh khai thác vi phạm ngư trường của các nước lân cận và nhiều tàu đã bị bắt giữ gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý nguồn lợi thuỷ sản phát triển bền vững. Trước tình hình đó, việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác bằng hệ thống thiết bị giám sát hành trình hiện đại trên tàu cá trở nên cần thiết.
Dự kiến Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị cùng với ngư dân tiến hành lắp đặt thiết bị hành trình MOVIMAR trên 18 tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên. Theo lộ trình, đến năm 2020 sẽ thực hiện việc gắn thiết bị hành trình MOVIMAR trên tàu cá có chiều dài 15 m trở lên trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ cùng với các địa phương tuyên truyền hướng dẫn ngư dân tuân thủ đúng quy định, tiếp tục rà soát lại số lượng tàu, thuyền để lắp đặt đúng đối tượng, hướng dẫn chi tiết cho ngư dân và bổ sung các tính năng như dự báo ngư trường, thông tin gắn với lợi ích của ngư dân... để ngư dân được hưởng lợi và yên tâm sản xuất.