Hội phụ nữ: '4 tại chỗ, 3 sẵn sàng' phòng chống thiên tai, bão lũ

Năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp, gồm cả nắng nóng, hạn mặn, giông lốc, mưa đá hơn mức bình thường. Đặc biệt bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Để kịp thời tuyên truyền ứng phó với thiên tai, các cấp Hội phụ nữ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức hoạt động tuyên truyền với phương châm '4 tại chỗ, 3 sẵn sàng'.

Theo đó, bám sát chủ đề của Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2024 "Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai" (từ 15-22/5/2024), các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Thọ đã tích cực tuyên truyền phòng, chống thiên tai.

phu nu trong cay.jpg
Hội viên, phụ nữ trồng cây bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai

Đại diện Hội LHPN tỉnh Phú Thọ cho biết, toàn tỉnh có gần 56 nghìn lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền kỹ năng ứng phó với thiên tai, trong đó nhấn mạnh các kỹ năng dành cho cha mẹ liên quan đến đối phó trước bão, lũ, lụt,…

Còn tại thành phố Đà Nẵng, Hội LHPN quận Liên Chiểu đã linh hoạt hướng dẫn hội viên, phụ nữ tìm hiểu kỹ năng phòng, chống thiên tai bằng cách tải ứng dụng "Phòng chống thiên tai Việt Nam" để tự trang bị cho mình kiến thức khi có bão, lũ, lốc, sét xảy ra.

"Nhìn chung, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Hội LHPN các cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng như phường Liên Chiểu đã nỗ lực tuyên truyền đến người dân chủ động thực hiện với phương châm "4 tại chỗ": Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; và "3 sẵn sàng": Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả", đại diện Hội LHPN quận Liên Chiểu chia sẻ.

Trẻ em cần giáo dục thay đổi tư duy và hành động sớm

Năm 2023, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 (AMMDM) đã thông qua Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN. Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất, góp phần tạo nên dấu ấn của nước ta trong năm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN trong quản lý thiên tai.

Hành động sớm là phương pháp tiếp cận mới trong quản lý rủi ro thiên tai được Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới triển khai nhằm tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và chú trọng tới những đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em.

Để hưởng ứng và phát động tuần lễ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, tổ chức chuỗi hoạt động gồm các cuộc thi, chương trình ngoại khóa, lễ mít tinh hưởng ứng với sự tham gia của hàng nghìn trẻ em trong tháng 5 vừa qua với nhiều dấu ấn đặc biệt…

hoc sinh phu tho.jpg
Học sinh Trường THCS Văn Lang, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ bên cạnh những bức tranh tường do chính mình lên ý tưởng và hoàn thiện

“Em học được nhiều điều mới trong quá trình tham gia vào cuộc thi, ví dụ như cần làm gì khi có lốc xoáy. Em muốn chia sẻ những kiến thức này đến gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh nhiều hơn nữa để mọi người giữ an toàn và biết cách ứng phó với thiên tai”, em Lê Minh Thông, lớp 8H, Trường THCS Văn Lang, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ chia sẻ sau khi đạt giải Nhất cuộc thi Rung chuông vàng “Cùng em phòng chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững”.

Cuộc thi Rung chuông vàng nhận được sự tham gia hưởng ứng của gần 1.500 học sinh Trường THCS Văn Lang. Sau vòng sơ khảo, 100 em học sinh xuất sắc nhất đã tham gia đấu loại trực tiếp tại vòng chung kết diễn ra vào ngày 17/5.

Ngoài ra, các cuộc thi sáng tác tranh “Góc nhìn trước thiên tai”; vẽ tranh tường “Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu”,… đã gửi đến thông điệp tích cực về việc bảo vệ môi trường, về kỹ năng phòng ngừa và ứng phó với thiên tai và ước mơ của các em hướng tới một xã hội đoàn kết, chung tay chống lại sự tàn phá bởi thiên tai, nơi mọi người được sống bình an và hạnh phúc.

hoc sinh phu tho 1.png
Các bức tranh đặc sắc nhất sau cuộc thi sáng tác tranh “Góc nhìn trước thiên tai”

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang Vương Quốc Nam cũng nhận xét: “Sau giờ học căng thẳng, cuộc thi là sân chơi ngoại khóa bổ ích giúp các em vừa học vừa chơi, vừa được tích lũy kiến thức và kỹ năng sống. Cuộc thi là cơ hội cho các em học sinh được tìm hiểu và nâng cao kiến thức về các loại hình thiên tai và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó trước thiên tai; trở thành những “tuyên truyền viên nhí” lan tỏa thông điệp “hành động sớm” tới cộng đồng”.

Chuỗi hoạt động khép lại với Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về Phòng, chống thiên tai năm 2024 với chủ đề “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”, tổ chức sáng 18/5.

“Hành động sớm” - Tiên phong hành động hôm nay để hiện thực hóa tầm nhìn trong tương lai. Thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ được giảm thiểu khi có sự chủ động phòng ngừa, ứng phó, đặc biệt với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trẻ em - thế hệ tương lai sẽ thay đổi tư duy và hành động trong phòng chống thiên tai cần được giáo dục ngay bây giờ để đảm bảo cho xã hội an toàn hôm nay và mai sau.

Anh Thư