Những đứa trẻ nhà giàu ở Trung Quốc đang cải thiện hình ảnh về bản thân khi đầu tư vào nghệ thuật, chứ không chỉ là những đứa trẻ lắm tiền nhưng nông cạn.
Theo BBC, bốn năm trước, Lin Han đã chi 1 triệu USD (hơn 22 tỷ đồng) cho tác phẩm nghệ thuật đầu tiên. Vào thời điểm đó, Han mới 26 tuổi. Tác phẩm này là của nghệ sĩ Trung Quốc Zeng Fanzhi, xuất hiện trên trang bìa của một catalogue nghệ thuật. Lin biết là khi mua tác phẩm này, cậu sẽ gây được sự chú ý với truyền thông và giới nghệ thuật.
Hiện Lin là người sáng lập và sở hữu bảo tàng M-Woods, nằm ở một khu vực trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật thời thượng ở thủ đô Bắc Kinh. Hầu hết tác phẩm trưng bày tại đây đều từ bộ sưu tập cá nhân của Lin Han.
Thế hệ trẻ giàu có của Trung Quốc đang tìm hướng đi mới thể hiện mình |
Trước đó, Lin đã kiếm được bộn tiền sau khi lập công ty tư vấn thiết kế. Cậu tái đầu tư lợi nhuận vào cổ phiếu và bất động sản, nhưng điều đó không khiến cậu vui. “Trước đây tôi không thấy vui. Tôi sưu tập các logo xe đạp và sau đó là ôtô. Nhưng nó không thỏa mãn trí tưởng tượng của tôi. Cách đây 2 năm rưỡi, tôi bắt đầu sưu tập nghệ thuật”, cậu kể.
Vừa trở về sau chuyến đi 10 ngày tới châu Âu, Lin mua hơn 200 tác phẩm. Cậu dành ra 3 triệu USD mỗi năm để mua các tác phẩm nghệ thuật, nhưng bao giờ cũng bị bội chi.
Lin nằm trong nhóm những thanh niên Trung Quốc mới ngoài đôi mươi, siêu giàu, không vung số tài sản kếch xù cho những nhà thiết kế hoặc thương hiệu hào nhoáng, mà lại đầu tư vào các pho tượng, tranh vẽ và nghệ thuật sắp đặt.
‘Những đứa trẻ thế hệ 2 siêu giàu’ là cách mà người ta gọi lớp người như Lin ở Trung Quốc. Nhóm này hay bị dư luận chỉ trích vì sinh ra đã có của cải bố mẹ cho, lối sống khoe khoang và ngạo mạn.
Một vài người trong số này đang chọn cách cải thiện lại những hình ảnh phản cảm về sự giàu có của họ. Nhiều người có học hành bài bản hơn và đi đó đây nhiều hơn bố mẹ, nên họ tìm ra nhiều cách thức khác để biểu lộ vị thế cao của mình trong xã hội.
“Tôi muốn đóng góp cho xã hội” – Lin nói, và cho biết thêm ý tưởng đằng sau bảo tàng trên là nhằm chia sẻ bộ sưu tập cá nhân của cậu. Lối vào bảo tàng bao gồm một không gian công cộng, miễn phí cho biểu diễn và hòa nhạc. “Nghệ thuật thay đổi cách nhìn của tôi. Năm năm trước, tôi sống bề nổi là nhiều. Giờ tôi sâu sắc hơn”, Lin chia sẻ với BBC.
Một nhà sưu tập trẻ tuổi khác giống như Lin Han là Frank Lin, 41 tuổi, đã học về ngành nghệ thuật tại Australia, sau đó chuyển sang sống ở Canada 6 năm qua. Frank Lin dự tính chi khoảng 50.000-60.000 USD để đầu tư cho các tác phẩm mới.
Làn sóng này được coi là một xu hướng mới trong giới sưu tập nghệ thuật ở Trung Quốc. Trước kia, tuổi đời của những người sưu tập vào khoảng 50, thì nay chỉ là 20.
Chủ tịch của hãng Christies tại châu Á, Rebecca Wei nhận định: “Cha mẹ của họ đang bận kiếm tiền, còn con cái thì bận mua nghệ thuật. Họ có học vấn cao, và thường thăm các viện bảo tàng”.
Hầu hết đám trẻ siêu giàu mới nổi đều có điều kiện học hành, mở mang đầu óc qua những chuyến du lịch nước ngoài và có nền tảng gia đình rất giàu có. Theo ước tính của tạp chí danh tiếng Forbes và hãng quản lý tài chính tại Bắc Kinh Fu Hua, tới cuối năm nay, Trung Quốc sẽ có khoảng 1,12 triệu người giàu có với số tài sản ít nhất là 1,5 triệu USD.
Lê Thu