“Quản lý Nhà nước thiếu nên không có hàng rào kỹ thuật, không có quy định cho phép nhập hàng gà đông lạnh đấy là mấy tháng. Ông nọ hỏi ông kia nhưng đều không có, như vậy thịt gà, thịt lợn đông lạnh giết mổ ở Mỹ, Pháp,...cách đây 40 năm nhập về Việt Nam vẫn hợp pháp bởi không có hàng rào kỹ thuật".

Đó là phát biểu của TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tại Hội thảo “Rào cản đối với kinh doanh các đầu vào Nông nghiệp: Giống cây trồng, giống vật nuôi và máy nông nghiệp” diễn ra sáng 12/1.

{keywords}

Toàn cảnh hội thảo “Rào cản đối với kinh doanh các đầu vào Nông nghiệp: Giống cây trồng, giống vật nuôi và máy nông nghiệp”

Ông Khanh cho rằng, riêng lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm chúng ta có 17 Nghị định và 111 Thông tư trong vòng 5 năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Với tình trạng như thế này nhớ tên luật cũng không nhớ nổi.

Theo đánh giá của ông Khanh, đây là thực trạng của Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu, vừa chồng chéo. “Hiện nay trong ngành chăn nuôi Việt Nam tôi quan tâm nhất là hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất (khoảng 2,5 – 3 triệu tấn).”

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, năm 2015, nhập khẩu chính ngạch là hơn 124.000 tấn gà đông lạnh nhưng đó vẫn chỉ là con số rất nhỏ so với hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất. Trong đó chủ yếu là đùi gà, cánh gà, mề gà và nội tạng lợn như lòng, tim, cật…Nguyên nhân chính là do hàng tạm nhập nhưng lại không xuất đi được, xâm nhập lại thị trường, lẫn lộn với hàng nhập chính ngạch để bán cho người dân với giá siêu rẻ.

Theo ông Khanh, với Bộ Công Thương thì cứ doanh nghiệp kí quỹ 10 tỷ đồng, thông báo có kho bãi thì là được cấp phép. Còn bên Tổng cục Hải quan thì khi doanh nghiệp có giấy phép thì được phép tạm nhập, tái xuất. "Được phép nhập bao nhiêu tấn và xuất đi bao nhiêu thì không ai quản lý cả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng không kiểm tra chỗ này", ông Khanh cho biết.

{keywords}

TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Hiện nay theo ông Khanh, sản phẩm gà đông lạnh đang sử dụng ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn. Vì chúng ta không quy định tiêu chuẩn kỹ thuật là chân gà bao nhiêu tháng, đùi gà mấy tháng. Việc chồng chéo trong quản lý dẫn đến gà, chân gà, cánh gà, lòng gà 10.000 đồng/kg, hay tim lợn chỉ có 10.000 đồng/kg và có thời gian hơn 20 năm ở chợ Phùng Khoang toàn từ đây ra hết. Đây chắc chắn là hàng tạm nhập tái xuất bởi hàng của Trung Quốc cũng có giá cao hơn nhiều.

“Về câu chuyện “gà dai Hàn Quốc”, đầu tiên nhập nguyên con, xong chúng ta ý kiến cắt đầu. Bây giờ, ở Hà Nội đang có con gà quay không đầu béo mập có giá chỉ hơn 100.000 đồng/con được gọi là “gà dai Hàn Quốc”. Từ bé đến giờ, học trong chuyên môn cũng không có từ nào là từ “gà dai”, từ đấy chỉ là mấy ông uống rượu gọi với nhau thôi, thực chất đây là gà trứng thải loại của Hàn Quốc”, ông Khanh cho biết.

Ngoài ra ông cũng cho rằng, “đề nghị xem lại ông chi cục trưởng chi cục thú y TP.HCM, khi ông ấy bảo, “giống gà dai Hàn Quốc” có thể nhập khẩu vô tư và đã kiểm tra. Nhưng tôi xin thưa rằng các anh chỉ kiểm tra an toàn về vệ sinh, còn chất lượng về thịt gà như thế nào thì chả ai ăn được, tôi dám công bố như vậy", ông Khanh nhấn mạnh.

Không những vậy, theo ông Khanh thì Tổng giám đốc Công ty Ba Huân còn gay gắt tuyên bố: “Tại sao Việt Nam lại dùng cái sản phẩm mà các nước dùng cho chó ăn”, nhưng không có ai ý kiến gì và vẫn nhập bình thường. Thực sự kiểm tra thì loại gà này vẫn an toàn dịch, nhưng chất lượng rất thịt rất thấp. Bên Trung Quốc, giá gà dọn chuồng này chỉ có 5.000 đồng/kg.

Ở các nước khác, hàng rào kĩ thuật của họ rất cao, bên Úc có quy định, chỉ nhập gà đông lạnh nguyên con trong 6 tháng, gà cắt đùi cắt chân là 4 tháng còn riêng phụ phẩm 2 tháng.

Ở Trung Quốc, họ tuyên bố chấp các nước có năng suất sữa tươi cao nhất nhưng không vào Trung Quốc được vì sữa tươi nhập vào Trung Quốc có quy định 3 ngày. Doanh nghiệp ở Trung Quốc chấp hành đúng quy định 3 ngày, còn các nước Úc, New Zealand năng suất bò sữa cao mấy cũng không vào được.

(Theo Dân trí)