Tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm” vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, 2019 là năm cực kỳ khó khăn của ngành chăn nuôi do dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ tháng 2 khiến sản lượng thịt lợn giảm rất mạnh. Trước đó, thịt lợn vẫn chiếm thị phần nhiều nhất, lên tới 60%, trong cơ cấu thịt tiêu thụ ở nước ta, gia cầm 25% còn lại là các sản phẩm khác.
Trong bối cảnh đó, Bộ NN-PTNT đã có rất nhiều quyết sách nhằm đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm bù đắp một phần sản lượng thịt lợn thiếu hụt; đồng thời đề xuất những mô hình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Nhờ việc tăng đàn hợp lý nên sản lượng gia cầm tăng, giá cũng tăng.
Ông Trọng cho hay, định hướng năm 2020 là tất cả các mô hình chăn nuôi phải vào khuôn khổ, phải làm theo chuỗi, phục vụ cho mọi đối tượng. Cơ cấu sản phẩm chăn nuôi phải đi theo xu hướng thế giới. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để giảm thị phần thịt lợn xuống theo lộ trình, cố gắng đến năm 2030 thị phần thịt lợn giảm xuống dưới 60%, thịt gia cầm tăng lên 28%.
Nguồn cung dồi dào, giá các loại gà đặc sản ở nước ta khá rẻ |
Để làm được, theo ông Trọng, cần thay đổi tập quán, thói quen sử dụng các sản phẩm từ thịt bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người tiêu dùng hiểu rõ giá trị dinh dưỡng từ thịt gia cầm; tăng cường sơ chế, chế biến, hướng dẫn làm nhiều món ăn khác nhau từ thịt, trứng gia cầm.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, tổng đàn gia cầm cả nước đạt trên 470 triệu con, tăng khoảng 15% so với năm 2019. Mức tăng kỷ lục về số lượng, cùng với dịch cúm gia cầm và tác động của dịch Covid-19 đã làm cho giá các sản phẩm gia cầm sụt giảm, người nuôi lâm cảnh nợ nần, trong khi nhu cầu thịt và trứng gia cầm dự báo sẽ hồi phục khi dịch bệnh chấm dứt.
Bà Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) - dẫn số liệu từ các chuyên gia dinh dưỡng cung cấp, trong 100gram thịt lợn có 18-19gram protein; trong 100 gram thịt bò cũng có 18-20gram protein, trong 100 gram thịt gà lượng protein cũng tương tự.
Hàm lượng protein trong các loại thịt tương đương nhau nhưng người Việt lại quen sử dụng thịt lợn, do vậy nên chuyển một phần nhu cầu thịt lợn sang thịt gà, thịt bò, cá, tôm,...
Thịt lợn đắt đỏ, nhiều người chuyển sang ăn thịt gà |
“Bản thân tôi cũng thường chọn thịt gà khi giá cả chấp nhận được, việc chế biến cũng thuận lợi và đa dạng. Vì thế tôi nghĩ dùng thịt gà hay thịt bò cũng là tốt, bên cạnh đó là thịt lợn”, bà Hạnh nói. Tăng sử dụng thịt gà không những cung cấp đủ dinh dưỡng mà góp phần hỗ trợ người chăn nuôi. Giá thịt gà cũng hợp lý hơn giá thịt lợn rất nhiều.
Theo Nguyễn Văn Trọng, ở Bắc Giang hiện có nhiều dòng gà phục vụ thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng, như gà vịt phục vụ đám cưới, bữa ăn hàng ngày... Chúng ta cũng có trên 50 dòng gà nội có chất lượng tốt như gà Tiên Yên, gà Ri, gà mía Sơn Tây...
Năm 2018, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chọn, tạo nghiên cứu đưa gà ngoại về lai tạo với gà ngoại để tạo ra từ 6-8 dòng gà chất lượng cao phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng. Trong đó, có loại gà trên dưới 1,5kg/con, có loại gà to trên 3-4kg/con.
Trên thực tế, do giá thịt lợn tăng phi mã và đắt đỏ kéo dài, nhiều bà nội trợ đã chuyển sang mua ăn các loại thịt gà, thịt bò, cá để thay thế do giá rẻ hơn rất nhiều.
Chị Nguyễn Thị Tố Loan ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, giá thịt lợn tăng quá cao khiến nhà chị bị thâm hụt chi tiêu. 3 tháng nay, thay vì ngày cũng mua thịt lợn, chị chuyển sang ăn thịt gà, thịt ngan vì giá tương đối rẻ. Cụ thể, thịt gà công nghiệp chỉ 50.000-60.000 đồng/kg, gà ta nhiều nơi bán giá chỉ 85.000 đồng/kg mổ sẵn, vịt lông 35.000 đồng/kg, ngan lông 50.000 đồng/kg,...
Món thịt gà xuất hiện nhiều hơn trong mâm cơm của các gia đình. Thay vì chỉ đơn giản là luộc, thịt gà được chế biến thành đủ món khác nhau. Một số bà nội trợ chia sẻ, giá gà vịt đang rất hợp lý so với thịt lợn, giúp tiết kiệm được đáng kể chi phí ăn uống mỗi tháng.
Châu Giang