- Gần một tuần nay giá thịt lợn hơi xuất chuồng liên tục tăng. Mỗi ngày, thịt lợn tăng thêm 2 giá và hiện thương lái săn mua với mức giá 42.000 đồng/kg. Trước đây, thua lỗ phải bán tháo với giá rẻ mạt nay giá lên lại xót ruột vì không có hàng bán trong khi cục nợ thì chưa biết bao giờ trả hết.

Giá thịt lợn tăng theo ngày

Mặc dù đàn lợn hơn 100 con của gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) còn gần một tuần nữa mới đến kỳ xuất chuồng, song vài ba ngày trở lại đây, ngày nào vợ chồng chị cũng tiếp 3-4 thương lái đến hỏi mua, chưa kể phải nghe thêm vài cuộc điện thoại cũng có ý đặt trước.

Song, chị Hương đều lắc đầu từ chối. Chị chia sẻ, giá lợn đã tăng được nửa tháng nay, song khoảng 5 ngày trở lại đây tăng liên tục. Cứ mỗi ngày, thịt lợn tăng thêm 2-3 giá (tức tăng thêm khoảng 2.000-3.000 đồng/kg lợn hơi). Theo đó, chỉ trong vòng 5 ngày, giá lợn đã tăng từ 29.000 đồng/kg lên 41.000 đồng/kg.

{keywords}

Giá thịt lợn bật tăng mạnh, lên mức 40.000-43.000 đồng/kg

"Dạo này lợn tồn trong dân giảm, lợn xuất sang Trung Quốc lại đang hút hàng nên dự báo giá sẽ tăng lên khoảng 45.000-50.000 đồng/kg, vì thế tôi chưa vội nhận đặt cọc. Cứ chờ đến lúc xuất chuồng biết đâu tăng được thêm vài giá nữa", chị Hương chia sẻ.

Tương tự, bà Lê Thị Hiền, chủ một trang trại nuôi lợn lớn ở thị trấn Quế (Kim Bảng, Hà Nam) cũng cho biết, thịt lợn hơi xuất chuồng đang tăng giá mạnh.

"Nhà tôi tổng đàn lợn thịt có 300 con, 50 con lợn nái. Đợt này có 70 con đang tới lứa xuất chuồng, đang có nhiều thương lái tới hỏi mua với giá 42.000-43.000 đồng/kg nhưng tôi chưa bán", bà Hiền nói. Bà kể, dạo trước lợn xuống giá thấp, gia đình bà bán 25 tấn lợn mà lỗ mất 400 triệu đồng. Giờ lợn tăng giá lên mức này thì đã bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, giá lợn phải duy trì ở mức cao như hiện tại trong một thời gian dài nữa thì gia đình bà mới mong gỡ gạc được khoản lỗ lên đến gần nửa tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, một đầu mối chuyên thu mua lợn ở Nam Trực (Nam Định) thừa nhận, do giá lợn tăng mạnh nên mấy ngày gần đây đi mua lợn thịt rất khó.

Đợt trước, ông có thể đặt cọc mua cả đàn rồi bắt dần về thịt. Song, mấy ngày hôm nay, hỏi mua cả đàn và đặt tiền trước mà các hộ chăn nuôi nhất quyết không bán. Họ chỉ bán nhỏ giọt vài ba con và bắt cân bán tính giá theo ngày, ông Đoàn chia sẻ.

{keywords}

Giá lợn tăng cao, nhiều hộ dân tiếc nuối vì không còn lợn để bán

Người nuôi hết lợn bán

Dù giá lợn đang tăng cao ngất ngưởng, thế nhưng ông Chính ở xã Thanh Vân (Tam Dương, Vĩnh Phúc) lại ngầm ngùi tiếc nuối vì gia đình ông đã hết sạch lợn để bán.

Ông Chính tâm sự, lúc giá lợn xuống mức 17.000-20.0000 đồng/kg, gia đình ông phải xuất chuồng 700 con lợn thịt, mời chào mãi thương lái mới chịu đến mua. Xuất chuồng xong, ông lỗ tiền tỷ. Và đến bây giờ giá lợn lên cao, người nuôi bắt đầu có lãi thì lợn trong trang trại nhà ông vẫn nhỏ, còn khoảng gần 2 tháng nữa mới đến kỳ xuất chuồng.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Trần Văn Cường ở Phúc Thọ (Hà Nội) cũng cho biết, anh vừa xuất chuồng đàn lợn 80 con thì giá lợn bật lên tăng mạnh.

"Dù giá lợn tăng cao, người nuôi đã có công nhưng tôi hết sạch lợn để bán rồi", anh Cường nói và cho hay, lợn giảm suốt từ đầu năm đến nay, nhà anh lỗ gần tỷ đồng khi phải xuất bán hơn 50 tấn lợn hơi vào thời kỳ giá giảm kỷ lục đó.

Đợt vừa rồi có 80 con lợn đến lứa xuất chuồng, anh vội bán với giá 30.000 đồng/kg vì nghĩ đàn này may hoà gốc, không còn bị lỗ nữa. Ai ngờ, chỉ mấy ngày sau giá lợn đã bật tăng lên 40.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi con lợn anh mất khoảng 1 triệu đồng.

"Giờ ngồi nhìn giá lợn lên cao mà tiếc vì chuồng hết sạch lợn, chỉ còn hơn 100 con lợn mới vào đàn được nửa tháng nay", anh Cường buồn rầu nói.

Trong khi đó, chia sẻ về giá thịt lợn đang tăng mạnh, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau đợt giá thịt lợn giảm  sâu đến mức phải kêu gọi giải cứu, giá thịt lợn đã phục hồi đáng kể trong những ngày qua với mức bình quân từ 35.000-38.000 đồng/kg, có nơi giá tăng lên 40.000 đồng/kg.

Theo ông Dương, nguyên nhân chính của việc giá lợn phục hồi là do đã triển khai tích cực và đồng bộ giải pháp, trong đó có kiểm soát mạnh khâu tăng đàn. Ngoài ra, việc tăng sức mua trong nước bằng rất nhiều hình thức tiêu thụ đã được các bộ ngành và các địa phương triển khai.

Bên cạnh đó cũng có do yếu tố tâm lý thị trường. Người chăn nuôi bình tĩnh hơn để quyết định viêc xuất bán sản phẩm trước sức ép thông tin và sức ép không nhỏ của thương lái mà thời gian qua họ chưa thể làm được.

Tuy nhiên, ông Dương cũng nhận định, thị trường thịt lợn có dấu hiệu hồi phục trở lại nhưng người chăn nuôi không nên chủ quan. Việc khôi phục hiện tại chưa phải là biểu hiện căn cơ của quan hệ cung cầu và phát triển bền vững. Theo ông, cần phải thực sự bình tĩnh với dấu hiệu thị trường và những quyết định trong sản xuất, nhất là tăng đàn lợn trong thời gian tới.

Châu Giang