Rẻ, dễ mua, tiện chế biến
Chị Linh Chi (nhân viên ngân hàng, chi nhánh Bà Triệu, Hà Nội), cho biết, vừa qua, đi siêu thị, chị bắt gặp thịt lợn nạc, thịt lợn ba chỉ nhập khẩu từ Mỹ được cắt khúc và đóng vỉ sẵn, bảo quản trong tủ mát để bán. Loại thịt này giá từ 104.000-154.000 đồng/kg, rẻ hơn thịt tươi trong nước.
Khi chị băn khoăn về việc thịt nhập khẩu không để ở ngăn đông lạnh mà lại để ở ngăn mát khi bán, thì được nhân viên siêu thị giải thích: "Thịt đông lạnh thường với khối lượng lớn, khiến người tiêu dùng khó mua nên siêu thị rã đông, cắt khúc, chia thành những miếng nhỏ từ 300 – 400gr/khay và được bảo quản ở ngăn mát". Quan sát thêm, chị Linh thấy ở quầy thực phẩm này trong siêu thị có tấm bảng lưu ý người tiêu dùng: "Sản phẩm đã rã đông, vui lòng không tái đông".
Theo quan sát của phóng viên, với các loại thịt đã được rã đông, cắt nhỏ, bày bán như các loại thịt mát hay thịt tươi được nhiều khách hàng lựa chọn do giá rẻ, hợp với nhu cầu mua lẻ của phần đông khách hàng. Thế nhưng, rất ít siêu thị ghi rõ nguồn gốc và tình trạng của các loại thịt như thế này. Ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bạn sẽ không dễ để nhận ra đây là thịt rã đông vì những miếng tem nhỏ dán trên bề mặt khay chỉ hiển thị dòng chữ "thăn vai bò Mỹ", "thăn vai bò Úc"...
Đặc biệt, điều đáng lo ngại hơn, nếu như các siêu thị, cửa hàng tiện ích đem thịt rã đông để bán dưới dạng thịt mát thì tại các chợ, thịt rã đông được bán như thịt tươi. Thậm chí, đến cuối ngày, nếu bán không hết, chủ sạp lại đem thịt tái cấp đông để hôm sau bán tiếp.
Thịt rã đông không đảm bảo an toàn thực phẩm
Với những ưu điểm dễ mua vì khối lượng nhỏ, tiện chế biến, giá thành rẻ, người tiêu dùng đã lựa chọn loại thịt rã đông này. Tuy nhiên, các chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm lo ngại về độ an toàn và chất lượng thịt đông lạnh khi rã đông nếu được thực hiện theo cách thức không phù hợp.
Cụ thể, khi rã đông, phải đưa thịt ra tủ mát (nhiệt độ khoảng 4 – 5 độ C trở lại) để rã đông từ từ chứ không đưa thịt ra bên ngoài môi trường tự nhiên hay đặt thịt trong nước. Khi để thịt ra ngoài, nhiệt độ cao sẽ khiến vi khuẩn dễ nhiễm vào và phát triển, không đảm bảo an toàn.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa cho biết, ở chợ, điều kiện vệ sinh không thể bằng siêu thị, thịt có nguy cơ nhiễm khuẩn nhiều. Với thịt bán không hết, tiểu thương tái cấp đông, vi khuẩn tiếp tục bị ức chế nhưng sau khi rã đông, tiếp xúc với nhiệt độ thường, vi khuẩn sinh sôi càng nhanh hơn trước khi tái cấp đông.
Hơn nữa, khi bày bán, do số lượng thịt nhiều, ngăn mát không đủ khả năng làm mát đều các miếng thịt nên vẫn tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển. Lượng vi khuẩn sẽ nhân lên theo từng ngày. Sau ba ngày, miếng thịt trong siêu thị cũng có thể như miếng thịt ngoài chợ nếu bảo quản ở nhiệt độ từ trên 5 độ C. "Tốt nhất là rã đông ngày nào thì nên bán hết trong ngày đó" - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Ngoài ra, ông Vũ Thế Thành, chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, những loại thịt rã đông dễ nhiễm khuẩn hơn so với thịt tươi vì khi rã đông, các vi khuẩn sẽ tiếp tục sinh sôi sau quá trình cấp đông và nhân lên vô số nếu gặp điều kiện thuận lợi.
Vì thế, khi mua thịt đông lạnh rã đông về, người tiêu dùng nên chế biến, sử dụng ngay trong ngày, không nên để đông lạnh thịt trở lại vì nó sẽ hình thành đá trong miếng thịt, sau khi rã đông lại lần nữa, thịt sẽ bị mất nước, ăn không ngon.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ một chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm sạch, cho biết, các sản phẩm thịt tươi, thịt đông lạnh và thịt mát đều phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo an toàn thực phẩm, nếu không đảm bảo, sẽ bị xử phạt, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
Giải thích lý do vì sao các đơn vị bán lẻ vẫn bày bán vô tư thịt rã đông, anh Mạnh cho rằng, do các đơn vị này không công bố hay quảng bá loại thịt đó là thịt mát hay thịt tươi nên cơ quan chức năng không thể xử phạt. "Tiêu chuẩn đặt ra là để các doanh nghiệp có căn cứ công bố chất lượng sản phẩm bán ra thị trường, chứ không phải bắt buộc. Chỉ khi những quầy thịt này treo biển bán thịt mát, thịt tươi nhưng lại bán thịt rã đông, mới bị xử phạt".
Bằng mắt thường, có thể thấy, những miếng thịt lợn sau khi rã đông thường có màu nhợt nhạt. Thậm chí, thịt vẫn còn hơi lạnh, một số miếng thịt vẫn còn lẫn tinh thể đá. Còn với thịt bò, thịt trâu đông lạnh được rã đông thì thường có màu sậm hơn, đặc biệt là khi được bày bán ở nhiệt độ thường, ngày nắng nóng ở ngoài chợ.
Theo Phụ nữ Việt Nam