“Đây là thời điểm để APEC cùng nhau xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020, vì một “Quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21” – một quan hệ đối tác thiết thực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.
Sáng nay, phát biểu tại tại phiên khai mạc Hội thảo về các ưu tiên của năm APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh, 10 năm sau khi lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), thế giới ngày nay đã có những thay đổi không ngừng. Những công nghệ mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã thay đổi hoàn toàn cách thức chúng ta sống, liên kết và tương tác với nhau.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh. |
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 đã khiến thế giới ngày càng trở nên bất ổn và thách thức ngày càng gia tăng và trở nên đa dạng hơn. Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã lan xa và khiến không một khu vực hay một nền kinh tế nào có thể “miễn nhiễm”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn phát triển thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do tác động của các cuộc xung đột địa chính trị, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, bất bình đẳng, đói nghèo, bệnh dịch và biến đổi khí hậu.
Trước những thách thức nói trên, các nền kinh tế APEC dù rất nỗ lực cải cách nhưng vẫn chưa đạt được những mục tiêu như kỳ vọng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã kêu gọi, APEC cần phải nhanh chóng thích nghi hơn nữa với những đổi thay lớn lao trên toàn cầu, giải quyết những thách thức nói trên thông qua sự hợp tác sâu rộng hơn nữa; hy vọng, APEC 2017 sẽ tập trung vào các lĩnh vực đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp của các nền kinh tế trong khu vực.
APEC cần đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng. |
Tại Hội thảo, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã thông báo về 4 mục tiêu quan trọng mà các nền kinh tế thành viên APEC cần đạt được. Cụ thể là:
Thứ nhất, APEC cần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, trong đó cách cơ cấu cần là ưu tiên của APEC nhằm thúc đẩy tăng năng suất, tăng trưởng sáng tạo và thu hẹp khoảng cách phát triển; tăng cường khả năng thích ứng trước những biến động và cú sốc về kinh tế, tài chính, cũng như trước thiên tai và dịch bệnh.
Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng.
Thứ ba, bước vào kỷ nguyên số, APEC cần hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chiếm hơn hơn 97% tổng số doanh nghiệp trong khu vực, MSMEs là động lực quan trọng cho tăng trưởng và tạo việc làm.
Thứ tư, trước những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, các nền kinh tế APEC cần tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; thúc đẩy chuyển giao và áp dụng công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng và tính bền vững của nông nghiệp. Đặc biệt, APEC cần thúc đẩy thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông thôn sáng tạo và bao trùm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong một thế giới đầy biến động, APEC cần tăng cường vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập; khẳng định vai trò tầm toàn cầu trong điều phối các liên kết kinh tế khu vực đa tầng nấc; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch và bao trùm.
Nhìn lại, 27 năm hình thành và phát triển, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, APEC đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của mình, nhất là vào những thời điểm khó khăn.
Ông đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo cần tập trung thảo luận để xác định những ưu tiên cho APEC trong năm 2017 trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được tại Peru và trong những năm trước để tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực chung, nhất là thực hiện các chiến lược của APEC về tăng trưởng chất lượng, kết nối và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ.
Năm APEC 2017 cần tiếp nối những nỗ lực dài hạn trên, trong đó tập trung vào những lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, chỉ đạo.
Bích Thủy