Thời gian tự làm mới bằng Mùa Xuân. Rừng “đổi mới” bằng tự thay lá. Đất nước phải tự Đổi Mới, theo quy luật vận động của thực tiễn- mới có thể phát triển.

Mời xem lại bài: Mong thấy rạng đông xa, lảnh lót tiếng gà

Thời gian có tuổi. Nói đúng hơn đó là chu trình vận động của thiên nhiên, của tạo hóa - có bắt đầu và có kết thúc. Mùa Xuân là bắt đầu của một năm mới. Đó cũng là chỉ dấu của thời gian để kết thúc một đơn vị thời gian – năm cũ. Như vậy, sự tự làm mới không chỉ có ở vạn vật mà cũng là thuộc tính của thời gian.

{keywords}

Sự tự làm mới không chỉ có ở vạn vật mà cũng là thuộc tính của thời gian. Ảnh Lê Anh Dũng.

Các giai đoạn phát triển của xã hội và của khoa học công nghệ thường được gọi là cách mạng. Từ thế kỷ 18 đến nay, cách mạng công nghiệp đã và đang trải qua 04 lần, còn cách mạng xã hội tuy diễn ra liên tục, nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Cách mạng xã hội có độ trễ so với cách mạng khoa học công nghệ cũng là tự nhiên, nhưng nếu trễ quá lại là... trì trệ. Tiến bộ còn có thể dự đoán được tiến trình nhưng sự trì trệ thì khó lường biến chứng.

Nếu ví 04 cuộc cách mạng công nghiệp như 04 “toa” tàu chạy trên cung thời gian 300 năm thì Việt Nam ta là “hành khách” bắt đầu lên “toa” thứ 03 cách đây 40 năm – cách mạng công nghiệp điện tử, bán dẫn, máy tính, truyền thông Internet - nhưng lại làm thợ máy ở “toa” thứ nhất cách đây hơn 200 năm – cách mạng công nghiệp máy hơi nước, cơ khí và “toa” thứ 02 cách hơn 100 năm - công nghiệp máy đốt trong, cơ - điện, điện khí hóa – giữa thế kỷ 19.

Tại cuộc họp báo ngày 18/1 bên lề hội nghị Davos, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẻ với các cơ quan báo chí quốc tế về quyết tâm hội nhập toàn diện, sâu rộng của Việt Nam. Ông khẳng định “Việt Nam đang tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, coi thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình.”

Kiến tạo không phải là thay đổi khái niệm mà là thay đổi cách nghĩ, thay đổi cách làm cụ thể, thuộc phạm trù thể chế. Nếu chính phủ kiến tạo mà thể chế không đổi mới kịp thì sẽ khó đạt tới đích. Vậy phải đổi mới lần hai.

Cần phân công, phân quyền, trách nhiệm cụ thể để tạo ra sự cân bằng và kiểm soát quyền lực. Đó là những trụ cột vững chắc cho ngôi nhà thể chế.

Phải “kiến tạo” hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh; kiên quyết thực hiện chế tài pháp luật trong các sai phạm kinh tế, hợp đồng kinh tế và tác động có hại môi trường do hoạt động con người gây ra. Hoặc chính quyền muốn thu hồi đất của dân là lập dự án, lập qui hoạch và thực hiện bồi hoàn “đúng qui trình”, “qui định luật pháp”. Quản lý giao thông – đô thị kém nên hễ kẹt xe là cấm đường, hành khách đi máy bay nhiều thì làm khó để hạn chế “kẹt sân” Cái gì quản lý khó thì cấm là xong! Nghĩa là quản lý theo kiểu lấy cái dở của chủ quan để làm khổ cái khách quan thì xã hội làm sao phát triển. Người dân chỉ còn biết chấp hành “đúng luật”, “đúng qui trình”.

Để khắc phục trì trệ của tổ chức bộ máy thì phải có luật cạnh tranh nhân tài. Công khai tuyển dụng người vào bộ máy, chống hiện tượng “bà con” dồn trong một địa phương, một cơ quan nhà nước – hiện tượng bè phái, gia đình trị, bám ghế.

{keywords}

Mô hình chính phủ kiến tạo đòi hỏi cũng phải kiến tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn, đổi mới hơn nữa. Ảnh Lê Anh Dũng.

Mô hình chính phủ kiến tạo đòi hỏi cũng phải kiến tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn, đổi mới hơn nữa: Người dân cần được luật pháp công nhận quyền tài sản đối với đất đai, bỏ hạn điền, bảo vệ quyền tác quyền; giải thể các doanh nghiệp quốc doanh thua lỗ. Phải công khai minh bạch mọi hoạt động của Nhà nước, trừ vấn đề an ninh – quốc phòng. Nếu không đổi mới thể chế kịp thời thì hành trình vươn tới Chính phủ kiến tạo sẽ chậm.

Mùa xuân là mở đầu. Mong mùa Xuân 2017 này mở đầu cuộc đổi mới có tính xã hội về thể chế - cơ chế, tạo nền tảng cho Chính phủ kiến tạo vận hành nền hành chính – kinh tế theo nhịp độ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 04 thế giới. Độ trễ từ quan liêu bao cấp sang “Đổi mới” chỉ có 10 năm. Đổi mới đến nay đã 30 năm, hết mới rồi, và độ trễ của nó như phản ảnh ít lắm cũng đã hơn 15 năm rồi mà chưa thấy “mới” nữa. Phải chăng chúng ta đang rơi vào trì trệ và đang mắc kẹt trong cái “bẫy thu nhập trung bình”?

Thời gian tự làm mới bằng Mùa Xuân. Rừng “đổi mới” bằng tự thay lá. Đất nước phải tự Đổi mới, theo quy luật vận động của thực tiễn- mới có thể phát triển.

Nguyễn Minh Nhị