Theo ghi nhận của PV VietNamNet, sáng ngày 3/2, thời tiết tại Hà Nội mưa nhỏ và sương mù, khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội “biến mất” trong làn sương, chỉ thấy được các tầng bên dưới.

Sáng 3/2, Thủ đô Hà Nội có mưa nhỏ và sương mù.
Các tòa nhà cao tầng chìm trong sương mù.
Phần nóc của tòa nhà Keangnam "biến mất" trong sương mù.
Dù là 8h sáng, thế nhưng trên đường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) nhiều phương tiện giao thông phải bật đèn để đảm bảo an toàn.
Mưa và sương mù dày đặc bao trùm nhiều khu vực ở Hà Nội khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. 
Các tuyến đường nội đô Hà Nội cũng trở nên mờ ảo hơn.

Theo số liệu quan trắc của Pam Air, lúc 7h, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở các điểm tại Hà Nội dao động chủ yếu 150-200 đơn vị - ngưỡng có hại cho sức khỏe con người.

Trang IQAir dự báo ô nhiễm không khí khả năng kéo dài và nghiêm trọng hơn ở Hà Nội trong các ngày 4-6/2. Lúc này, chỉ số ô nhiễm trung bình dao động 17-180 đơn vị, mức có hại.

Nơi có chất lượng không khí kém nhất Hà Nội là khu vực Cầu Giấy với chỉ số AQI 256 đơn vị - mức rất có hại cho sức khỏe.

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trong thời điểm này là do không khí lạnh suy yếu khiến các chất bụi bẩn không được khuếch tán mà tích tụ lại từ hoạt động giao thông, xây dựng.

Ngoài ra, tình trạng sương mù, độ ẩm tăng cao và thời tiết ấm lên cũng là điều kiện khiến chất lượng không khí suy giảm.

Đơn vị khuyến cáo những ngày này người dân hạn chế tập thể dục ngoài trời, nhất là với người già và trẻ em. Đồng thời, người dân nên mang khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn khi đi ra ngoài.

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 3/2, Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Gió nhẹ. Đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ 18-20 độ, nhiệt độ cao nhất từ 20-22 độ.