Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, đây là lần đầu tiên trong năm 2023, nắng nóng xảy ra trên toàn quốc; cũng là đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên ở phía Đông Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội.

Theo bản tin vừa phát đi của trung tâm, hôm nay (5/5), ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h là 37-40 độ, có nơi trên 40 độ, nhiều nơi vượt ngưỡng 41 độ.

Cụ thể, Yên Châu (Sơn La) 40.2 độ, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 41.3 độ; đặc biệt ở Nghệ An có Quỳ Châu 40.6 độ, Tương Dương 41.9 độ, Quỳ Hợp 40.1 độ, Tây Hiếu 41.2 độ, Con Cuông 40.5 độ, Đô Lương 40.3 độ, TP Vinh 40 độ. Ngoài ra, Hương Khê (Hà Tĩnh), Đông Hà (Quảng Trị) cũng ở mức 40.4 độ… 

Lần đầu tiên trong năm 2023, nắng nóng xảy ra trên toàn quốc. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Bên cạnh đó, phía Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ lúc 13h là 35-36 độ, có nơi trên 36 độ; độ ẩm 45-60%.

Cơ quan khí tượng cho biết, ngày 6/5, nắng nóng ở Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên còn tiếp diễn, mức nhiệt được công bố lên cao nhất trong đợt này là 37-40 độ, có nơi trên 41 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 25-45%.

Đến 7/5, nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt vẫn tiếp diễn ở những khu vực trên, nhưng mức nhiệt hạ nhẹ, cao nhất là 36-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 35-55%.

Đối với khu vực phía Đông Bắc Bộ, ngày 6/5 cũng nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ cao nhất 36-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 40-55%. Từ ngày 7/5 nắng nóng giảm dần.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 40-60%. Từ ngày 7/5, nắng nóng ở Tây Nguyên giảm dần.

Nắng nóng ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Nam Bộ từ ngày 8/5 giảm dần.

Sắp có khí lạnh

TS Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), chuyên gia Biến đổi khí hậu và Giảm thiểu thiên tai cũng nhận định, ngày 6/5 sẽ là ngày nóng nhất trong đợt nắng nóng này. Nhiệt độ vùng trung du Nghệ An, Hà Tĩnh có thể lên tới 41-42 độ.

Theo TS Huy, đợt nóng này diễn ra trên phạm vi cả nước, trừ khu vực Đà Lạt, Bảo Lộc của Lâm Đồng là ít nóng. Các đô thị như TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Đông Hà, Đồng Hới, Hà Tĩnh, Vinh, Thanh Hóa là những nơi có bức xạ mặt trời cao và tia cực tím cao. Vào ngày 6/5, gió trong đất liền giảm nên sẽ làm gia tăng cảm giác nóng ngột ngạt ở các khu đô thị. Đề phòng sốc nhiệt, người dân tránh ra ngoài trời vào khung giờ từ 12-16h.

Tuy nhiên, ngày 8/5, một đợt khí lạnh tràn về Việt Nam nên khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có nền nhiệt giảm đột ngột, chỉ còn 22 độ vào buổi đêm. Như vậy, chênh lệch nhiệt độ trong khoảng thời gian khá ngắn khiến cơ thể không kịp thích nghi sẽ dễ bị ốm.

"Do nền nhiệt đang cao mà có không khí lạnh về thì dễ có mưa rào, mưa đá trong ngày 8/5 ở các khu vực trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ", TS Huy lưu ý. 

Nắng nóng hầm hập ở TP.HCM khi nào chấm dứt?

Nắng nóng hầm hập ở TP.HCM khi nào chấm dứt?

TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài. Mức nhiệt thường xuyên 35-37 độ. Đặc biệt chỉ số tia UV ở TP.HCM luôn ở mức rất nguy hại. Vậy đợt nắng nóng này khi nào chấm dứt?