Việc quản lý chi tiêu trong gia đình luôn là mối quan tâm và lo lắng của nhiều người. Báo VietNamNet giới thiệu tuyến bài "Bí quyết chi tiêu" nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính, tìm cách tăng tích lũy của một số gia đình để có được cuộc sống chất lượng hơn.
Trước khi sang Nhật học và làm việc, chị Trần Thị Huyền (34 tuổi, hiện ở Hà Đông, Hà Nội), sống cùng bố mẹ ở Hải Dương. Chị làm việc ở công ty gần nhà với lương 7 triệu đồng/tháng vào năm 2015. Không mất tiền nhà, tiền ăn nhưng chị chẳng tiết kiệm được đồng nào, thậm chí nhiều tháng còn phải đi vay thêm.
Thói quen chi tiêu ngày ấy của chị, là vừa nhận lương xong đã nghĩ ngay đến việc mua món đồ mình "ngâm cứu" từ trước, rồi sau đó mới nghĩ tới chuyện trả nợ. Sau khi mua sắm và trả nợ xong, chị chỉ còn lại chút ít tiền để tiêu cho tới cuối tháng. Khi không đủ, chị lại đi vay. Cứ như vậy thành một vòng luẩn quẩn.
“Hồi đó, mình ham mua sắm, làm đẹp, thích trưng diện, không có định nghĩa về việc phải tiết kiệm cho tương lai”, bà mẹ 2 con chia sẻ.
Đến năm 2015, khi quyết định sang Nhật Bản du học, gia đình chị phải vay ngân hàng số tiền 300 triệu đồng. Lúc mới sang, dù đã mang nợ, chị vẫn chưa tiết kiệm. Chị nghĩ rằng, còn đôi bàn tay thì lúc nào cũng kiếm tiền được.
Chỉ đến khi đối mặt nguy cơ không gia hạn được thị thực, phải về nước, chị mới nghĩ tới việc phải làm gì trong nước để trả được số tiền nợ. Chỉ có làm ở nước ngoài, tỷ giá đồng tiền chênh lệch, chị mới có thể trả được khoản vay đó. May mắn, thị thực được gia hạn, chị bắt đầu lao vào kiếm tiền, tiết kiệm để trả nợ.
“Một tháng tôi làm được 200 - 250 nghìn Yen, tương đương 40- 50 triệu đồng khi đó. Tôi gửi về 150 - 200 nghìn, giữ lại khoảng 70 - 100 nghìn Yen. Số tiền còn lại, tôi chi cho tiền nhà, tiền điện nước, wifi, tiền ăn, tiền vé tàu. Tôi không chi tiền mua quần áo. Sinh nhật hoặc Tết mới dám tự thưởng cho bản thân.
Nói thật là không hề sung sướng. Bản thân mỗi lần nhận lương xong lập tức gửi về Việt Nam, thấy rất hụt hẫng. Đi làm vất vả như vậy mà tiền cầm chưa nóng tay đã phải trả nên từ đó trở đi, tôi rất ít khi vay tiền người khác”.
Tiết kiệm không phải là hà tiện
Đến khi lấy chồng, chị không còn nợ nần nữa và bắt đầu học cách tiết kiệm. Đến ngày nhận lương, chị chia thành các khoản rành mạch: Sinh hoạt phí, tiền ăn uống, tiền nhà, tiền học… Chị thường ấn định con số cụ thể và bỏ riêng từng khoản.
Phần còn lại, chị bỏ vào tài khoản tiết kiệm, không được đụng tới. “Tháng nào ăn tiêu quá đà, cuối tháng tự bóp mồm, bóp miệng. Bóp rồi mà vẫn không cầm cự được tới cuối tháng thì muối mặt đi vay, xấu hổ quá sẽ tự biết chừa.
Thời điểm bắt đầu đưa bản thân vào kỷ luật tiết kiệm, tôi cần phải 'nghiêm khắc' với bản thân như vậy. Còn hiện tại, tiết kiệm đã trở thành thói quen thì mọi thứ dễ dàng và linh hoạt hơn. Hiện tại, tôi có tạo bảng chi tiêu cá nhân để kiểm soát chuyên nghiệp hơn, thay vì làm thủ công như trước”.
Chị cho biết, thời điểm phải trả nợ, việc tiết kiệm với chị đúng nghĩa là làm việc cật lực, chắt bóp, dè sẻn. Còn thời điểm này, tiết kiệm là chi tiêu đúng, chi tiêu để đầu tư, không phải là không dám tiêu, tiêu cái gì cũng tiếc tiền.
Dưới đây là một số mẹo tiết kiệm chị Huyền đã đúc rút được:
1. Luôn ghi chép thu chi đầy đủ
Chị tạo bảng excel riêng để ghi chép thu chi của gia đình và đã duy trì việc này suốt 4 năm qua. Cụ thể:
- Tiền nhà, phí chung cư, điện nước, tiền học của con... thanh toán trong một ngày của tháng rồi ghi chép một thể.
- Tiền ăn, mua sắm đồ dùng gia đình, tiêu lặt vặt trong ngày... khoán sẵn một khoản tách riêng để tiêu đến cuối tháng.
- Tiền bảo hiểm đóng theo năm, mỗi tháng trích một khoản bỏ vào “quỹ đóng bảo hiểm” cất đi, đủ một năm thì đóng.
Như vậy việc ghi chép sẽ nhanh gọn hơn, không bị bỏ sót. Việc ghi chép giúp chị Huyền đánh giá được tài chính của gia đình, điều chỉnh lại thu chi cho hợp lý để sớm đạt được kế hoạch trong tương lai như mua nhà, mua xe...
Hiện tại, chị Huyền sử dụng thêm một số ứng dụng ghi chép, để tiết kiệm nhiều thời gian hơn.
2. Tận dụng tiêu dùng bằng thẻ tín dụng
Với nhiều người, thẻ tín dụng khá nguy hiểm vì nếu không cẩn thận sẽ trở thành con nợ. Nhưng chị Huyền đã tìm hiểu kĩ, tận dụng mua sắm, đóng phí bảo hiểm bằng thẻ tín dụng để được hoàn phí.
Chị Huyền cho biết mình có 2 thẻ, một thẻ chỉ để đóng phí bảo hiểm cho gia đình, một thẻ để mua sắm đồ dùng trên sàn thương mại. Một năm số tiền hoàn cũng được 8-10 triệu đồng.
3. Đầu tư trong vòng tròn hiểu biết
Có tiền tiết kiệm mà để nằm im trong két sắt thì chỉ là tiền chết. Do đó, chị Huyền sẽ đem đi đầu tư để sinh lời. Tuy nhiên, chị không ham hố đầu tư lãi suất cao nếu như không hiểu biết gì về kênh đầu tư đó.
Chị cho biết rất thích khái niệm Vòng Tròn Hiểu Biết của tỷ phú Mỹ Warren Buffett. Ông chỉ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà ông hiểu tường tận về nó nhất.
4. Thực hiện lối sống tối giản
Chị Huyền vẫn mua sắm quần áo, đồ dùng khi cần thiết để đầu tư cho công việc hay cuộc sống. Song, chị không mua sắm theo cảm xúc nhất thời, không mua theo kiểu mua về rồi nhét tủ, mấy năm vẫn chưa cắt mác.
Chị thích chọn những kiểu thiết kế, màu sắc cơ bản, vừa dễ kết hợp, vừa không nhanh lỗi mốt. Đặc biệt, chị thường chọn mua hàng chất lượng tốt để dùng bền lâu, như vậy mới chính là tiết kiệm, lại ít thải rác ra môi trường.
Đồ ăn, thức uống chị mua vừa đủ, tránh mua thừa. Nấu vừa đủ ăn sẽ khiến người ăn thấy ngon miệng, hơn là nấu thừa thãi, ăn không hết. Chị cố gắng nấu tại nhà để đảm bảo chất lượng. Mỗi tuần sẽ ra hàng quán ăn 1 lần để thay đổi không khí.
Nhà chị có rất ít đồ dùng. Chị Huyền chỉ mua sắm những đồ dùng gia đình thực sự cần. Ví dụ như tivi, nhà chị không mua, vì vợ chồng không xem tivi nhiều, cũng như đỡ phát sinh việc con đòi xem. Nhà ít đồ cũng dễ dọn dẹp, ít tích tụ bụi bẩn.
5. Tận dụng các chương trình khuyến mại
Chị Huyền cho biết, chị chủ yếu mua sắm trên sàn thương mại điện tử, hàng tháng đều có chương trình khuyến mại. Chị lên danh sách đồ cần mua, bỏ vào giỏ hàng, tới ngày khuyến mại mua một thể.
Số tiền được giảm kha khá, lại còn được miễn phí hoặc giảm phí vận chuyển. Ngoài ra, chị còn có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng, sẽ được hoàn tiền như trên.
6. Tránh “chốt nóng”
Chị cố gắng không mua đồ ngay tại lúc đang rất thích, mà sẽ bỏ vào giỏ hàng, 1 - 2 ngày sau xem lại để quyết định có nên mua hay không. Cách này giúp chị khắc phục được 80%, còn 20% thì đôi khi vẫn bị “chốt nóng”.
7. Trang bị bảo hiểm
Chị mua bảo hiểm từ năm 2020, đúng với ý nghĩa để bảo vệ tài sản của gia đình, nhỡ ốm đau thì có bảo hiểm chi trả.
Chị Huyền cho biết, trên đây là những kinh nghiệm tiết kiệm của chị. Chị cũng nhấn mạnh, nếu chỉ tiết kiệm thôi là chưa đủ, còn cần phải biết tăng thu nhập để sớm đạt được các kế hoạch tài chính.
“Tôi đang cố gắng để có thêm nhiều khoản thu nhập thụ động hơn”, chị nói.