Nhận định đó được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ, giải pháp hoạt động ngân hàng năm 2023 diễn ra hôm nay, 28/12.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

"Chưa từng có tiền lệ"

Theo Thống đốc, năm 2022 là năm kinh tế thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường với nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước.

Trong nước, nền kinh tế đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là xử lý những vấn đề mới phát sinh liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản…

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị (Ảnh:Chinhphu.vn)

Bà Hồng cho biết, trước tình hình khó khăn, NHNN đã triển khai các cuộc họp định kỳ và đột xuất để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Kết quả, lãi suất được điều hành và điều chỉnh hợp lý; tỷ giá, tín dụng được điều hành linh hoạt, điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, các chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh được kịp thời ban hành và triển khai khẩn trương, đồng bộ…

Một kết quả đáng chú ý khác là trong kỳ báo cáo tháng 11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN.

Trình bày báo cáo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú thông tin, hạn mức tín dụng, từ đầu năm 2022, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường. Đối với tình hình thanh khoản gặp khó khăn, NHNN đã tập trung ưu tiên hỗ trợ hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) giải quyết vấn đề quản trị thanh khoản, giải tỏa tâm lý thị trường và các vấn đề còn tồn tại để đảm bảo an toàn hệ thống trước những rủi ro.

Đồng Việt Nam giảm 3,56% so với USD

Ngoài ra, ông Tú cho biết, đến tháng 11/2022, trước tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của TCTD cải thiện hơn, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các TCTD với nguyên tắc, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. 

Thêm vào đó, NHNN cũng yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021.

Về tỷ giá, ông Tú cho hay, trong năm 2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn trước những biến động mạnh trên thị trường quốc tế; cân đối cung - cầu ngoại tệ rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt; thực hiện các phương thức mua bán can thiệp thị trường và điều chỉnh tỷ giá mua/bán can thiệp để đáp ứng nhu cầu thanh khoản và bình ổn tâm lý thị trường.

Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường, ngày 17/10/2022, NHNN quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +3% lên +5%, qua đó, tạo dư địa cho tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thu các cú sốc bên ngoài. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định; đồng Việt Nam giảm giá so với USD khoảng 3,56% so với cuối năm 2021, thấp hơn so với các đồng tiền khác trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất với ngành Ngân hàng trong năm 2023 và tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; bảo đảm công khai, minh bạch, phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, bảo đảm quyền và và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể liên quan; bảo đảm thanh khoản thông suốt của hệ thống ngân hàng trong bất cứ tình huống nào,....

Điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp.