- Sáng 20/11, Luật Xuất Bản sửa đổi đã được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành đạt 92,37%.



Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) đã được trình Quôc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2012) và đã được QH thảo luận vào sáng 27/10. 

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Trong phiên thảo luận sáng 27/10, đã có gần 20 đại biểu góp ý về Luật Xuất bản (sửa đổi) và hầu hết đều đánh giá cao Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp trước và đã bổ sung cả 1 chương riêng về xuất bản phẩm điện tử trong Luật lần này.

Ngày 20/11, Luật Xuất bản (sửa đổi) đã được thông qua với 460 số phiếu tán thành, chiếm tỉ lệ 92,37%. Luật Xuất bản (sửa đổi) lần này bao gồm 5 chương, với 50 điều quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản.

Trước đó, Luật Xuất bản đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3/12/2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2005. Tiếp đó, ngày 3/6/2008, Luật Xuất bản đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua việc sửa đổi, bổ sung nội dung của 8/46 điều để thực thi cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tăng cường chế tài trong xử lý vi phạm và kịp thời điều chỉnh đối với một số vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, qua 6 năm thi hành, Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển một bước cả về số lượng và chất lượng, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn đòi hỏi Luật Xuất bản phải được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tế. Một số quy định trong Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật.

Hoàng Vy