Vũ Đình Thái là học sinh lớp 12A1, Trường THPT Tây Thụy Anh (Thái Bình). Sau cả 6 đợt thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2024, Thái trở thành thủ khoa với điểm số gần tuyệt đối.
“Khi biết trở thành thủ khoa của kỳ thi này, em rất vui và bất ngờ. Trước đó, em không có ý định dự thi nên chưa có nhiều thời gian làm quen với dạng đề”, Thái nói.
Được các bạn rủ “đi thi cho vui”, Thái đăng ký đợt 3, cách ngày thi khoảng 2 tuần. Lúc ấy, nam sinh mới bắt đầu tìm đề làm thử. “Em bất ngờ khi cách ra đề của trường khá mới lạ, khác hẳn so với đề thi tốt nghiệp THPT”, Thái nhớ lại.
Mất 1-2 ngày để làm quen dạng đề, Thái bắt đầu tìm kiếm thêm tài liệu trên mạng để phát triển các hướng tư duy. Theo Thái, khi làm bài, em luôn cố gắng làm chắc chắn từng câu và làm lần lượt cho đến khi hết câu hỏi. Khi gặp một câu khó chưa thể làm ngay, nam sinh sẽ lập tức chuyển sang câu tiếp theo.
“Sau khi làm một lượt đề, quay trở lại những câu hóc búa, em sẽ ưu tiên làm những câu điền đáp án trước để tối ưu điểm bởi với những câu có thể chọn được đáp án, nếu không kịp thời gian em vẫn có thể khoanh lụi được”.
Với từng phần thi cụ thể, Thái đánh giá phần Tư duy đọc hiểu trong 30 phút là mới lạ nhất. “Phần này em không có cách ôn luyện nào cả. Em thường cố gắng đọc hết một lượt của bài, tìm những từ khóa, sau đó đọc câu hỏi để định hình xem cần tập trung vào phần nào, từ đó sẽ chọn được đáp án”.
Sau khi hoàn thành tất cả các câu hỏi, Thái cũng không nộp bài ngay mà thường rà soát lại bài đọc hiểu để chắc chắn những lựa chọn của mình là đúng.
Với phần Tư duy khoa học kéo dài 60 phút, Thái nhận thấy môn Lý sẽ nặng về tính toán hơn Hóa và Sinh – chủ yếu hỏi về lý thuyết. Nhiều câu hỏi xuất hiện trong đề không nằm trong chương trình, nhưng nam sinh cho rằng nếu có nền tảng kiến thức vững chắc, thí sinh vẫn có thể suy luận được.
Vốn có thế mạnh ở môn Toán, phần đánh giá Tư duy toán học khiến Thái thích thú nhất. Khi ôn tập, nam sinh thường tập trung phát triển những tư duy mới, không cố gắng ôn theo các dạng toán vì trong đề thi thường đưa ra những cách hỏi mới lạ.
“Kiến thức toán trong kỳ thi đánh giá tư duy khó, nhiều câu hỏi mặc dù nội dung kiến thức quen thuộc nhưng do cách hỏi lạ nên cũng có thể “làm khó” thí sinh. Do đó, khi làm bài, thí sinh cũng cần tỉnh táo để phân tích”, Thái nói.
Trước khi đạt được thành tích cao nhất trong kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, Vũ Đình Thái cũng là gương mặt nội trội của Trường THPT Tây Thụy Anh. Nam sinh từng đạt điểm cao nhất trường trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 với điểm 10 môn Toán. Em cũng thường xuyên đứng đầu các kỳ thi do nhà trường tổ chức, đoạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán; giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học.
Nhắc đến những thành tích Thái đạt được, cô Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, tự hào cho biết đây là lần đầu tiên cô làm chủ nhiệm lớp có một học trò xuất sắc hiếm có như vậy.
“Thái thông minh, điềm đạm, có khả năng tự học, tư duy vượt trội. Em cũng chủ yếu học tập trên trường, không đi học thêm ở đâu nhưng lại đạt thành tích tốt trong tất cả các kỳ thi. Trong các đợt khảo sát, em cũng thường xuyên đạt tối đa điểm các môn Toán, Lý, Hóa”.
Điều cô Nhàn khâm phục ở Thái là nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mẹ mất khi Thái đang học lớp 7, nhưng em cũng không lùi bước. Nhìn cha vất vả làm việc để lo cho gia đình, với tư duy sẵn có và sự kiên trì, Thái không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên.
“Khi mới vào lớp, Thái rất ít nói. Tôi đề xuất Thái làm bí thư của lớp với mong muốn việc tham gia vào các hoạt động tập thể sẽ giúp em mạnh dạn, tự tin, bứt phá ra khỏi sự trầm tính. Tuy nhiên khi nhận trọng trách, tôi bất ngờ khi thấy em sôi nổi, nhiệt tình tổ chức, phát động các phong trào của lớp.
Là dân khối A có phần hơi khô khan nhưng Thái lại là người biểu diễn chính trong tiết mục múa hát chào mừng ngày khai giảng. Em đã thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều”, cô Nhàn nhớ lại.
Giành điểm cao nhất trong kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, Đình Thái dự định sẽ theo đuổi ngành Công nghệ thông tin trong tương lai.