Những ngày qua, vụ việc một nam sinh 23 tuổi là thủ khoa kỳ thi thạc sĩ nhưng bị các trường từ chối gây xôn xao dư luận. Theo đó, trong kỳ thi thạc sĩ vòng chuyên môn, Từ Duệ Tường đạt 506,78 điểm. Với số điểm này, nam sinh trở thành thủ khoa ngành Vật lý Hạt nhân của Đại học Nam Kinh (Trung Quốc).
Tuy nhiên, đến ngày 2/4, Đại học Nam Kinh công bố danh sách thí sinh trúng tuyển hệ thạc sĩ năm 2024, lại không có tên của Từ Duệ Tường. Xác nhận sự việc, đại diện nhà trường chia sẻ, lý do nam sinh không đỗ thạc sĩ vì không đạt yêu cầu trong phần 'đánh giá tư tưởng và đạo đức' của vòng phỏng vấn.
Trong thông báo tuyển sinh của trường trước đó cũng nêu rõ: "Nếu thí sinh không đáp ứng đủ yêu cầu về đạo đức, nhà trường có quyền xem xét và không tuyển sinh".
Trước khi vòng phỏng vấn diễn ra, nhà trường nhận được nhiều khiếu nại về việc Từ Duệ Tường có hành vi ngược đãi mèo. Ngoài ra, nam sinh còn tham gia vào nhóm trực tuyến có thú vui bạo hành động vật trên mạng xã hội Trung Quốc.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Cục Cảnh sát TP. Nam Kinh đã mời Từ Duệ Tường đến làm việc. Cơ quan này tiết lộ, trong buổi trao đổi, nam sinh đã nhận ra lỗi và viết cam kết không tái phạm hành vi trên.
Sau khi bị Đại học Nam Kinh từ chối, ngày 5/4, Từ Duệ Tường điều chỉnh nguyện vọng sang khoa Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân của Đại học Lan Châu (Trung Quốc). Tham gia vòng phỏng vấn, ngày 7/4, tại Đại học Lan Châu khi được hỏi: "Bạn có ý định xin lỗi vì hành vi ngược đãi mèo không?". Nam sinh trả lời: "Tôi cần thời gian suy nghĩ vấn đề này một cách cẩn thận và thấu đáo hơn".
Tối 8/4, Đại học Lan Châu công bố danh sách thí sinh trúng tuyển kỳ thi thạc sĩ năm 2024, nhưng không có Từ Duệ Tường. Như vậy, với hành vi ngược đãi mèo, nam sinh liên tiếp bị 2 đại học từ chối. Họ cho rằng, hành vi này của Từ Duệ Tường sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả tuyển sinh.
Hiện tại, câu chuyện này vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người ở Trung Quốc. Phần lớn họ đồng tình với quyết định của 2 đại học: "Không sai, bạn phải có cả đạo đức lẫn năng lực". Người khác lại cho rằng: "Nhân cách là điều quan trọng nhất, sau đó mới đến kiến thức".