Doanh nhân giàu có người Nga đã có thú nhận gây sốc nói trên tại một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh The Hill TV. Trong dư luận từng râm ran đồn đoán về mối quan hệ giữa tỉ phú Deripaska với FBI, nhưng bản thân ông chưa bao giờ lên tiếng xác nhận việc đó.

{keywords}
Tỉ phú Oleg Deripaska là người sáng lập tập đoàn nhôm Nga United Co. Rusal, một trong những nhà sản xuất kim loại lớn nhất thế giới. Ảnh: ABC News

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên The Hill TV, trùm tài phiệt Deripaska, người sáng lập tập đoàn nhôm Nga United Co. Rusal cho biết, ông đã chi hơn 20 triệu USD trong giai đoạn 2009 - 2011 để tài trợ cho một chiến dịch bí mật giải cứu cựu đặc vụ FBI Robert Levinson khỏi sự giam giữ của Iran sau khi các nhân viên FBI dưới quyền lãnh đạo của Robert Mueller tới gặp ông.

Levinson bị mất tích năm 2007 trong một chuyến đi "cá nhân" tới Iran. Về sau, nhà chức trách xác nhận sự cố xảy ra khi cựu đặc vụ FBI đang thực hiện một chiến dịch bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Theo ông Deripaska, nhân vật FBI trực tiếp đến gặp ông và kêu gọi giúp đỡ là Andrew McCabe, người từng giữ chức Phó giám đốc FBI giai đoạn 2016 - 2018 và hiện đang bị chỉ trích rất nhiều.

Mặc dù tỉ phú Nga quả quyết ông không mong nhận lại bất kỳ thứ gì bù đắp từ FBI, nhưng nhiều người tin ông đã được "lại quả" nhờ mối quan hệ với cơ quan này. Thực tế, ông Deripaska từng bị Mỹ từ chối cấp thị thực (visa) vào năm 2006 vì nghi vấn dính líu đến các hoạt động tội phạm có tổ chức ở Nga. Song, năm 2009, doanh nhân này lại được cấp visa tạm tha hành pháp rất hiếm khi phát hành của Mỹ.

Chiến dịch giải cứu Levinson suýt thành công và nhóm được ông Deripaska tài trợ gần như đạt được một thỏa thuận phóng thích cựu điệp viên này. Năm 2010, nhờ nỗ lực của họ, Levinson được chứng minh vẫn còn sống trong trại giam nhờ một đoạn video công khai trên mạng. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton vào thời điểm đó rốt cuộc đã hủy chiến dịch vì không chấp nhận sự can dự của doanh nhân Nga.

"Tôi nghe nói, một số chuyên gia Nga hoặc bất kỳ danh từ nào bạn dùng để gọi những người chuyên về vấn đề Nga tại Bộ Ngoại giao Mỹ, tuyên bố không muốn nợ nần gì tôi", ông Deripaska nói. Trùm tài phiệt này tin rằng, cựu điệp viên FBI khó có khả năng còn sống sau hơn một thập niên mất tích, đặc biệt khi anh ta có thể đã được trả tự do vào năm 2016 sau khi Washington ký thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran.

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin và tỉ phú Oleg Deripaska (phải) cùng tới dự một cuộc họp của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC ở Đà Nẵng hồi tháng 11/2017. Ảnh: AP

Ông Deripaska cũng làm sáng tỏ phần nào mối quan hệ của mình với điệp viên Anh Christopher Steele, một trong những nhân vật chính trong nghi vấn "Nga thông đồng với Tổng thống Mỹ Donald Trump". Cụ thể, nhóm pháp lý của Deripaska đã thuê Steele thực hiện một số nghiên cứu vào năm 2012, khi ông lún sâu vào một cuộc chiến pháp lý với một đối thủ kinh doanh ở London và dường như không biết về những liên hệ giữa Steele với FBI.

Theo lời tỉ phú Nga, lợi dụng các rắc rối về cấp visa, Steele đã dụ ông tới gặp một số quan chức Bộ Tư pháp Mỹ. Những quan chức này nói họ sẵn sàng giúp Deripaska và thậm chí đã tìm cách chiêu dụ ông làm việc cho họ. Ông Deripaska bày tỏ, bản thân sốc nặng khi Steele lộ diện là điệp viên trong chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Clinton.

Sau khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng, các rắc rối của ông Deripaska với nhà chức trách Mỹ không chỉ về vấn đề visa mà còn lên đến đỉnh điểm là các lệnh trừng phạt nhắm vào cá nhân vào năm 2018. Ông Deripaska rốt cuộc bị Washington đưa vào danh sách đen. Việc này dẫn đến việc các tài sản và thực thể thuộc sở hữu tỉ phú này tại Mỹ đều bị phong tỏa. Các doanh nghiệp của ông cũng bị đưa vào danh sách cấm vận của Chính phủ Mỹ.

Ông Deripaska đã kháng cáo quyết định trên tại tòa án Mỹ. Trùm tài phiệt này nói các lệnh cấm vận đang hủy hoại việc làm ăn của ông. Chúng đã khiến ông mất hơn 7,5 tỉ USD tính tới thời điểm hiện tại.

Tuấn Anh