Nghị định số 130 của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc được phân thành 5 nhóm.

Nhóm 1 gồm các loại phương tiện: Xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng.

Nhóm 2 gồm các loại phương tiện: Xe từ 12 - 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn.

Nhóm 3 gồm các loại phương tiện: Xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn.

Nhóm 4 gồm các loại phương tiện: Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet.

Nhóm 5 gồm các loại phương tiện: Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên.

W-cao-bo-mai-son.jpg
Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Theo nghị định, phí sử dụng đường bộ cao tốc được xác định trên quãng đường thực tế phương tiện tham gia giao thông (km) và mức phí tương ứng với từng loại phương tiện (đồng/km).

Mức phí sử dụng đường bộ cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT quy định như sau: (Đơn vị đồng/xe/km)

Nhóm Phương tiện chịu phí Mức 1 Mức 2
1 Xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng 1.300 1.900
2 Xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn 1.950 1.350
3 Xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn 2.600 1.800
4 Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet 3.250 2.250
5 Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên 5.200 3.600

Theo Bộ GTVT, hiện có 12 dự án, đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng.

Bộ GTVT nhận định số tiền thu phí đường cao tốc được nộp về ngân sách nhà nước sẽ góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Với mức phí đề xuất như trên, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với 10 tuyến cao tốc đang khai thác, số phí thu được là 3.210 tỷ đồng/năm; số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850 tỷ đồng/năm.