Theo chương trình dự kiến, ngày 26/6 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo Luật Đường bộ và Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ. Đây là hai dự thảo luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Trong đó, dự thảo Luật Đường bộ bổ sung quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.
Cụ thể, tại Điều 50, dự thảo Luật Đường bộ quy định: Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, bao gồm:
Đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công, đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.
Việc quản lý, sử dụng các nguồn thu từ phí sử dụng đường cao tốc được quy định:
Cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản nộp số phí thu được vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Tổ chức nhận nhượng quyền thu phí, nhượng quyền kinh doanh - quản lý nộp số tiền nhận nhượng quyền theo quy định vào ngân sách Nhà nước, số tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng không phải nộp ngân sách Nhà nước, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Làm rõ hơn về nội dung này, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, Cục đang xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn, tránh khoảng trống pháp lý khi luật có hiệu lực.
Đối với quy định thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, ông Thái cho biết, tại Nghị quyết 52 của Quốc hội năm 2017 đã có chủ trương cho phép thu phí các tuyến đường cao tốc được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.
Triển khai chủ trương này, tại dự thảo Luật Đường bộ quy định rõ, Chính phủ quyết định thời điểm và các tuyến cao tốc đủ điều kiện thu phí.
Theo ông Thái, quan điểm nhất quán của Bộ GTVT là những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu thì mới triển khai thu phí. Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận. Việc thu phí là để có nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.
Về cách thức triển khai, ông Thái cho biết, tới đây, hệ thống giao thông thông minh (ITS), trong đó có hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ được đầu tư đồng bộ với quá trình xây dựng đường cao tốc. Vì vậy, trên cơ sở hạ tầng hiện nay không phải đầu tư trạm thu phí.
“Vấn đề đặt ra là lựa chọn giữa 2 hình thức thu phí. Hình thức thứ nhất là cơ quan quản lý tài sản là Cục Đường bộ Việt Nam tự tổ chức thu. Khi đó, Cục sẽ đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng.
Phương án này có nhược điểm là hình thức thu phí "nhặt dần", sau khi trừ đi chi phí tổ chức thu thì nộp ngân sách Nhà nước. Tiền này chưa chắc đã quay lại phục vụ cho con đường đó”, ông Thái thông tin.
Hình thức thứ 2 là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý bảo trì tuyến đường. Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định, thu ngay được một khoản tiền.
Ở phương án này, theo ông Thái, có nhiều ưu điểm nhưng đối với những tuyến cao tốc có lưu lượng thấp chưa hẳn đã hấp dẫn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, trong mọi trường hợp Cục đều có phương án. Nếu không có nhà đầu tư tham gia, Nhà nước sẽ đứng ra thực hiện trên tinh thần cung cấp sản phẩm dịch vụ công, đảm bảo tính liên tục cho người sử dụng.
Về mức phí, ông Thái cho hay, Cục đang nghiên cứu các kịch bản, tính toán. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số CPI và chi phí logistics.