Tại cuộc làm việc với Bộ GTVT ngày 27/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, dịch vụ thu phí điện tử không dừng mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự thuận tiện, lợi ích, văn minh, tiết kiệm. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần quyết liệt, tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành, phấn đấu đến tháng 3/2022 hoàn thành lắp đặt toàn bộ tất cả các trạm trên hệ thống đường cao tốc toàn quốc. Ngay trong quý I/2022, phấn đấu tất cả các tuyến cao tốc chỉ giữ lại 1 làn thu phí một dừng, tiến tới lựa chọn một số tuyến cao tốc chỉ thu phí không dừng (thuần ETC), đóng hoàn toàn việc thu phí thủ công.
Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT thống nhất đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tiễn, dù thu phí không dừng được đánh giá là dịch vụ tiện ích, được khuyến khích sử dụng, và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay còn giảm tiếp xúc, tránh nguy cơ lây nhiễm, nhưng vẫn có những bất cập, gây khó, thậm chí là tốn phí với người sử dụng.
Là chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng, anh Nguyễn Trung ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho rằng, ngoài tiện ích, giảm ùn tắc, hạn chế tiếp xúc không cần thiết, thì vẫn có những bất cập, gây khó khăn cho chủ phương tiện.
Theo anh Trung, việc thu phí tự động bắt buộc chủ xe phải thiết lập một thẻ giao thông để chuyển tiền từ thẻ ngân hàng sang, gây bất tiện và thiệt thòi cho hành khách.
Anh Trung nêu rõ, mỗi lần chuyển tiền qua thẻ giao thông, đương nhiên là phải thực hiện các thao tác chuyển khoản, tức là nạp tiền vào thẻ không dừng. Như vậy, mỗi lần lưu thông trên các tuyến sẽ phải thực hiện các bước nạp tiền, hoặc phải nạp sẵn một số tiền lớn dự phòng trong thẻ.
Tuy nhiên, điều đáng nói, theo anh Trung, đó là bất hợp lý trong khâu nạp tiền. "Dù khuyến khích tài xế sử dụng thu phí không dừng, nhưng giữa đơn vị vận hành dịch vụ trạm thu và ngân hàng chưa có thống nhất hoặc thỏa thuận liên thông, dẫn tới mỗi lần chuyển tiền ngân hàng vào thẻ không dừng đều mất tiền phí", anh Trung dẫn chứng.
Nhiều chủ xe vẫn không mặn mà với thu phí tự động không dừng |
Anh Nguyễn Long (quận Cầu Giấy) cũng nêu điểm bất cập. Anh Long cho biết, do công việc thường xuyên phải lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, nếu sử dụng thu phí không dừng, khi qua trạm rất tiện lợi, nhưng mỗi lần nạp tiền dù ít hay nhiều đều bị trừ thêm phí.
"Tôi nạp 200.000 đồng từ tài khoản ngân hàng Vietcombank vào thẻ thu phí không dừng, số tiền bị khấu trừ trong tài khoản là 203,190 đồng. Tương tự, nạp cùng số tiền 200.000 đồng từ tài khoản khác như MB, số tiền bị khấu trừ cũng là 203,190 đồng. Đương nhiên là phải thêm nhiều thao tác, rất không tiện lợi. Tại sao không theo cách đăng ký tài khoản ngân hàng rồi khấu trừ trực tiếp mỗi lần sử dụng dịch vụ, hoặc khấu trừ như thanh toán tiền điện, nước”, anh Long nêu bất cập.
Theo anh Lê Hữu Việt, chủ phương tiện ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), hiện nay dịch vụ thu phí tự động đang được Chính phủ khuyến khích sử dụng, nhưng khi chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản thu phí không dừng của chủ phương tiện lại mất phí chuyển tiền, vô tình lại khiến lái xe không muốn sử dụng phí không dừng. Thậm chí, nếu phải chuyển trả từ tài khoản ngân hàng để thanh toán tiền điện, nước hiện nay cũng không mất phí.
Nêu thêm bất cập khi phải nạp tiền qua thẻ giao thông, anh Việt chia sẻ, có lần tài khoản giao thông của anh hết tiền, khi xe qua làn thu phí tự động barie không mở, lúc đó anh mới biết nên buộc phải dừng lại để trả tiền mặt cho xe qua trạm.
“Hiện nay, luật quy định xe qua trạm thu phí tự động không dừng hết tiền cũng sẽ bị phạt. Nhưng dịch vụ thu phí tự động qua thẻ giao thông lại bất tiện cho khách hàng, chỉ cần chủ phương tiện quên không nạp tiền đi qua trạm sẽ bị xử phạt ngay”, anh Việt nói và cho rằng, các đơn vị vận hành cần hướng tới việc liên thông trừ tiền trực tiếp từ ngân hàng để thuận tiện cho chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động.
Tiện cho người sử dụng, đơn vị vận hành lại nêu khó khăn
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, không thể liên thông trừ tiền trực tiếp qua ngân hàng. Thứ nhất, về kỹ thuật, xe đi qua trạm thu phí chỉ 0,02s là mở barie nên thời gian không đủ để truy cập dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động rồi truy nhập sang hệ thống dữ liệu ngân hàng.
Thứ hai, hệ thống bảo mật của ngân hàng hiện nay không có ngân hàng nào cho bên thứ ba truy cập vào hệ thống của họ. Vì thế, việc liên thông trừ tiền trực tiếp qua ngân hàng với dịch vụ trả trước là không thể.
Giải thích rõ hơn, ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) cho hay, lý do tài khoản thẻ giao thông không kết nối trực tiếp sang các ngân hàng là do giới hạn tốc độ xe qua trạm lớn hơn 40km/h. Do vậy, để barie có thể đóng mở kịp thời khi phương tiện lưu thông qua trạm thì thời gian giao dịch gọi lệnh kiểm tra tài khoản và xác nhận phương tiện đủ tiền trong tài khoản, hạ lệnh mở barie cần nhỏ hơn 80 ms.
Để đáp ứng được tốc độ lớn hơn 40 km/h và 80 ms, ngân hàng cần phải nâng cấp hệ thống tương tự để có thể kịp thời xử lý giao dịch.
Để thu phí tự động không dừng có thể trả tiền trực tiếp qua thẻ ngân hàng thì dịch vụ phải hướng tới trả sau |
Về lo ngại xe qua trạm BOT đi vào làn thu phí tự động nếu hết tiền, hoặc không đủ tiền sẽ bị xử phạt, ông Vinh cho biết, hiện nay dịch vụ của VETC đã kết nối được với ngân hàng BIDV và Vietcombank để tự động ra hạn mức cho chủ phương tiện khi tài khoản giao thông không đủ tiền qua làn thu phí tự động.
Theo đó, khách hàng sử dụng tài khoản của BIDV và Vietcombank có thể cài hạn mức kết nối trừ tiền trong tài khoản ngân hàng qua đăng ký dịch vụ tích nợ tự động, để hạn mức. Khi tài khoản giao thông hết tiền ngân hàng sẽ tự động đẩy tiền sang, chủ phương tiện không bị gián đoạn dịch vụ.
Ông Vinh cho biết, hiện VETC đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng khác để có thể kết nối sử dụng ra hạn mức cho chủ phương tiện thuận lợi trong sử dụng dịch vụ hơn.
Gia Văn
Xe đi làn thu phí tự động, trong thẻ không đủ tiền bị phạt từ 1-2 triệu
Người lái ô tô không đủ điều kiện nhưng vẫn đi vào làn đường thu theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.