Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, trong buổi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước năm 2023, ngày 12/9.
Theo báo cáo, năm 2022, thiệt hại do thiên tai gây ra tại Bình Phước khiến 4 người chết, 111 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái; hơn 134 ha cây trồng bị gãy đổ; sạt lở 267 m đường giao thông…ước khoảng gần 16,8 tỉ đồng.
Gần 9 tháng năm 2023, tình hình thiên tai cũng đã khiến 8 căn nhà bị sập, 243 căn nhà bị tốc mái; hơn 190 ha cây trồng bị hư hại; sạt lở 400 m đoạn dốc Khỉ, đường ĐT.753B và khu vực dốc 5 Cây, đường ĐT.755B (cùng thuộc huyện Bù Đăng)… ước thiệt hại hơn 18,6 tỉ đồng.
Sau khi xảy thiên tai, bằng phương châm “4 tại chỗ”, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục hậu quả, đồng thời hỗ trợ gần 4 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng.
Trên cơ sở báo cáo của tỉnh, các ý kiến, kiến nghị của thành viên đoàn công tác và thực tế kiểm tra tại một số công trình, vị trí trên địa bàn huyện Đồng Phú, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tỉnh Bình Phước phải thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, đồng thời xem xét kiện toàn các tiểu ban sao cho hoạt động hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Đối với kế hoạch phòng chống thiên tai, tỉnh cần xây dựng kịch bản sao cho phù hợp với đặc thù của Bình Phước, đồng thời rà soát lại phương án xử lý xảy ra các tình trạng sạt lở, ngập lụt cục bộ, lốc xoáy. Trên tinh thần các kịch bản đã xây dựng, tỉnh có phương án diễn tập để tránh bị động, lúng túng khi có sự cố xảy ra.
Liên quan đến quá trình xử lý sự cố thiên tai, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị: Bình Phước phải thực hiện nghiêm phương án 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và 3 sẵn sàng (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương), xử lý sự cố thiên tai phải ưu tiên người già, phụ nữ và trẻ em.