Chiều tối 3/4, trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết GDP quý 1 tăng trưởng thấp là phản ánh đúng thực tiễn và cũng đúng như đánh giá của các cơ quan.
Theo ông Phương, trong bối cảnh hiện nay cho thấy khó khăn và thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, thậm chí khó khăn, thách thức còn lớn hơn dự kiến.
Phân tích các yếu tố tác động đến tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, vấn đề lạm phát tuy có hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Các yếu tố từ thế giới, từ các nền kinh tế lớn, từ căng thẳng Nga – Ukraine,… đều tác động đến kinh tế nước ta.
Ông Phương cho hay, tốc độ tăng trưởng quý 1 được đánh giá “vẫn ở mức khá so với bình quân chung và trong khu vực”.
Bộ KH-ĐT đã tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng giải pháp nhằm cố gắng bù đắp những gì quý 1 chưa đạt được, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là yếu tố nền tảng kiểm soát mọi thứ, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong đó, 2 chính sách quan trọng và cần thận trọng trong điều hành là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Bởi chính sách tiền tệ đang có nhiều thách thức, đòi hỏi độ nhạy bén, kịp thời để vừa chống chọi với những khó khăn mà yếu tố quốc tế đem lại, vừa cung cấp đủ nguồn lực cho nền kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, cần rà soát các động lực còn lại của nền kinh tế, lấy tăng trưởng của khu vực thuận lợi bù đắp cho khu vực khó khăn; quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; rà soát phát triển thị trường trong nước khi xuất khẩu gặp khó khăn.
Ngoài ra còn có một giải pháp nữa là việc tháo gỡ cho các dự án đầu tư ngay từ cấp cơ sở bằng việc thành lập tổ công tác liên ngành, tổ công tác đặc biệt.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh nhiệm vụ từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề.
Thông tin thêm nội dung này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương phải thành lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết khó khăn cho các dự án đầu tư của các doanh nghiệp. Tổ công tác này phải do chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực tiếp làm tổ trưởng.
Giải ngân gói 120.000 tỷ trong 5 năm
Trả lời về gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, chủ lực của gói tín dụng này là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank.
Đối tượng vay vốn của chương trình gồm cả người mua nhà, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố.
Ngày 1/4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi cho các ngân hàng thương mại và chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước tại 63 tỉnh thành thông báo một số thông tin của chương trình này.
Ông Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước xác định lãi suất cho vay theo chu kỳ từ nay đến 30/6 với chủ đầu tư là 8,7%/năm, người mua nhà 8,2%, thấp hơn 1,5 – 2% so với lãi suất chung cho vay của 4 ngân hàng nói trên. Thời gian cho vay trong vòng 3 năm chủ đầu tư, 5 năm với người mua nhà.
“Đây là dự án dài hạn nên Ngân hàng Nhà nước xác định thời gian giải ngân rất dài, từ ngày 1/4 đến 31/12/2030”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
Về nguồn vốn cho vay, ông Hà cho biết sẽ do các ngân hàng thương mại tự huy động. Các ngân hàng khác ngoài 4 ngân hàng kể trên muốn tham gia thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cho tham gia nhưng phải tuân thủ các điều kiện.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, để giải ngân gói 120.000 tỷ đồng này thì Bộ Xây dựng sẽ ban hành các danh mục dự án, tiêu chí, điều kiện, các đối tượng đồng bộ, kịp thời.
“Trong phiên họp Chính phủ sáng nay, một số địa phương phát biểu, nhiều địa phương công bố các dự án, một số địa phương khác đã làm xong quy hoạch và triển khai rất tích cực gói tín dụng này”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin.