Ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023.

Bệnh viện đã được 'hồi sinh'

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, GDP cả nước chỉ tăng 3,32% trong quý I. Mức này chỉ cao hơn năm 2020 - thời điểm bùng phát dịch Covid-19. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3 tháng đầu năm tăng 4,18% so với cùng kỳ 2022. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hoá, tiêu dùng nội địa tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tình hình quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ có nhiều thách thức.

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận việc thiếu đơn hàng từ quý IV/2022, chỉ đảm bảo duy trì 35-50% năng lực sản xuất. Điều này buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, cho lao động nghỉ luân phiên.

Doanh nghiệp cũng khó khăn về dòng tiền (vốn lưu động, đầu tư trung, dài hạn). Lãi suất tiền gửi và vay từ ngân hàng tăng khiến chi phí vốn leo thang và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị cần sớm có chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí, giảm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các ý kiến đánh giá, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 thì các vướng mắc trong hoạt động nhập khẩu, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang bị, vật tư y tế đã cơ bản tháo gỡ. Các bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường. 

“Khi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết 30, nhiều lãnh đạo bệnh viện nhắn cho tôi là bệnh viện đã được 'hồi sinh'", Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, thành phố này vừa hoàn thành việc mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế trị giá 1.481 tỷ đồng và các bệnh viện cũng cơ bản thực hiện được việc mua sắm.

Nhấn mạnh nếu giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh trong quý II sẽ tạo dư địa tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị tăng cường tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án dở dang để giải phóng nguồn lực rất lớn.

Thúc đẩy sản xuất, tạo sinh kế cho người dân

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Trong đó, các đơn vị phải nắm chắc diễn biến tình hình để đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phù hợp.

Thủ tướng tán thành đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc các địa phương thành lập tổ công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, không trông chờ, ỷ lại, không để địa phương phải đi lại nhiều mà không được việc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Nghị quyết 30 được ban hành, nhiều lãnh đạo bệnh viện nhắn cho bà là bệnh viện đã được 'hồi sinh'. Ảnh: Nhật Bắc

Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan ngân hàng yếu kém.

Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở, nhất là gói 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành việc phân bổ chi tiết các kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn cho chương trình phục hồi; chủ trì, tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.