Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký chỉ thị về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chỉ thị của Thủ tướng cho biết, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính quy định phải có phiếu lý lịch tư pháp. Một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động. Một số tỉnh, thành chưa chủ động giải quyết để kịp thời đáp ứng việc tiếp nhận hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp tăng đột biến, dẫn tới tình trạng chậm trễ, ùn ứ gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Sau khi nêu ra một số nguyên nhân chính của tồn tại, hạn chế trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, tuân thủ đúng quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp; Có giải pháp hiệu quả và tiến tới chấm dứt yêu cầu người dân nộp phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định.
Thủ tướng lưu ý, hạn chế tình trạng yêu cầu người dân nộp phiếu lý lịch tư pháp phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trong ngành, lĩnh vực quản lý; có biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp của tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi quy định, thủ tục hành chính liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Các cơ quan Nhà nước chủ động thực hiện quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp theo quy định, không yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải nộp phiếu lý lịch tư pháp.
Thủ tướng nhấn mạnh cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả ngăn chặn tình trạng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp gây khó khăn, phát sinh chi phí. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định pháp luật gây khó khăn, phát sinh chi phí cho người dân; báo cáo Thủ tướng phương án cắt giảm quy định, thủ tục này trong tháng 8.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và cơ quan liên quan phân quyền cho Sở Tư pháp khai thác, tra cứu Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia để phục vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp nhằm tăng tính chủ động, chịu trách nhiệm, giảm thời gian, chi phí thực hiện.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An, trình Chính phủ sớm nhất có thể.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, TANDTC, VKSNDTC và cơ quan liên quan kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định pháp luật.
Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT, tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu, xây dựng giải pháp triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Trên cơ sở đó sơ kết, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc triển khai thực hiện toàn quốc.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phối hợp chặt chẽ với cơ quan cấp phiếu lý lịch tư pháp để cung ứng dịch vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp tại nhà khi người dân có nhu cầu.