Ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống nhân dân.

Với dư địa chính sách còn khá lớn (lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát), việc ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, cần thiết lúc này. Đây cũng là điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó khăn cho dư địa chính sách.

 Thủ tướng yêu cầu bộ ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Ảnh: Nhật Bắc

Về định hướng chính sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát.

Thủ tướng đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" trước tháng 10/2022 sang "chắc chắn" từ tháng 10/2022 và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số...

Không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Về công cụ, giải pháp chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục rà soát, có giải pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn để kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước. Có các giải pháp về miễn giảm thuế, phí, lệ phí, hình thức hỗ trợ mua hàng, khuyến mãi, giảm giá, giảm các loại phí, lệ phí, thúc đẩy mạnh mẽ tín dụng tiêu dùng…

Thủ tướng yêu cầu chủ động có phương án hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Ảnh: Nhật Bắc

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành chủ động, tích cực giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương tổng hợp từ báo cáo của 26 tổ công tác của Chính phủ. Các tổ công tác này tiếp tục hoạt động hằng tháng nhằm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa kiểm điểm, đánh giá việc xử lý kiến nghị trước đó; vừa kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh.

Thủ tướng yêu cầu bộ ngành, địa phương nắm chắc tình hình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất ngay.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm vi phạm.

Thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua các địa phương. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, tích cực giải quyết cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án đường cao tốc.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới. Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả, không hứa suông. Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.

Thủ tướng nhấn mạnh, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề quan trọng, cấp bách hoặc mới phát sinh. Trong đó, đẩy mạnh và hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Bảo đảm đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Xử lý tình trạng mất cân đối cung cầu lao động tại một số địa phương; chủ động phương án hỗ trợ người lao động. Tổ chức tốt tuyển sinh đại học, cao đẳng; đấu thầu in sách giáo khoa theo cơ chế thị trường; xử lý dứt điểm vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế công lập...

Thủ tướng giao Bộ GTVT tập trung chỉ đạo triển khai dự án giao thông trọng điểm, nhất là dự án cao tốc, chọn được nhà thầu xây dựng sân bay Long Thành; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh.

Bộ Công Thương tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; kích cầu tiêu dùng; mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới; triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu.

Bộ TN&MT tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch đất đai, thủ tục hành chính; khẩn trương xử lý kiến nghị, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp về đất đai, môi trường; tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu. Xử lý dứt điểm về nguyên vật liệu cho xây dựng hạ tầng giao thông.

Bộ LĐTB&XH kịp thời điều tiết cung cầu lao động; chủ động có phương án hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Bộ GD&ĐT triển khai tốt tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; tổ chức đấu thầu công khai in sách giáo khoa.

Hai kịch bản tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm

Hai kịch bản tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm đạt 8% hoặc 8,9% và cho rằng cần có các giải pháp quyết liệt, chủ động, tạo thành tác động cộng hưởng.
Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực

“Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, tốt hơn tháng 5 và quý II tốt hơn quý I trên nhiều lĩnh vực”- Thủ tướng nói như vậy khi chủ trì hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.