Phát biểu mở đầu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức ngày 2/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Với sự có mặt đông đảo lãnh đạo, cơ quan trung ương địa phương, khách quốc tế, nhà khoa học, hơn 2.500 doanh nhân sẽ đề cập những vướng mắc để tháo gỡ những rào cản, thách thức.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt 2018 là năm thứ tư liên tiếp có số doanh thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng.
Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy khát vọng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân. "Kinh tế tư nhân có vai trò hết sức quan trọng của nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. |
Gần 2 năm nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng, Diễn đàn hôm nay là cơ hội để Chính phủ lắng nghe các ý kiến, phát triển hơn nữa doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng gợi mở một số điều để phát huy lợi thế của cộng đồng doanh nhân. Đó là làm thế nào để doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể vươn ra thế giới, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể tạo lợi thế cho bản thân và xã hội, đây là vấn đề khó nhưng với khát vọng vươn biển lớn, đổi mới sáng tạo sẽ là động lực quan trọng.
Thủ tướng lấy dẫn chứng về những chiến công hào hùng của dân tộc. Nếu tính tổng nguồn lực, Việt Nam đều thua các đối thủ trong quá khứ nhưng vẫn chiến thắng nhờ nội lực vững mạnh, phát huy điểm mạnh của mình. Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh, có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản.
Câu hỏi được Thủ tướng đặt ra: "Đâu là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, làm thế nào để đẩy mạnh, phát triển các ngành nghề kinh tế?"
Thủ tướng nhấn mạnh, những doanh nghiệp, doanh nhân ngồi tại hội trường này là người đi tiên phong. Những đề xuất của họ trong chương trình sẽ góp phần phát triển kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn.
Trước đông đảo doanh nhân, Thủ tướng cũng đề cập đến tinh thần doanh nghiệp với 3 nội dung quan trọng:
Thứ nhất là chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà là xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý được gọi tổng quát là cách tân, một tố chất quan trọng của nhà doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, doanh nhân có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta.
Nội dung thứ ba là tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh- đó là những tố chất cần thiết, phổ biến của nhà doanh nghiệp của tất cả các nước. Riêng đối với Việt Nam, một nước còn ở giai đoạn phát triển trung bình, cần thêm một yếu tố là lòng yêu nước, là ý thức góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh. Các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm, các thương hiệu nổi tiếng, cạnh tranh và xác lập tên tuổi trên thì trường thế giới là góp phần làm hình ảnh đất nước sáng chói trên vũ đài quốc tế.
"Các nhà doanh nghiệp cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ, "Trong thời đại hội nhập, hợp tác, cạnh tranh, liên kết với thế giới là cần thiết nhưng lãnh đạo doanh nghiệp của một nước còn ở giai đoạn phát triển thấp phải có tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước thì đất nước mới phát triển".
Như mọi quốc gia trên hành tinh này, kinh tế tư nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai.
Theo Thủ tướng, một thanh niên trẻ có thể xuất thân rất bần hàn nhưng ngày mai có thể trở thành doanh nhân thành đạt, nổi tiếng, thậm chí là những con người nhiệt huyết, gánh trên vai sứ mệnh xã hội, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, cho người dân. Có rất nhiều những câu chuyện về kinh tế tư nhân, những tấm gương khởi nghiệp thành đạt như vậy trên khắp thế giới và tôi tin là tất cả chúng ta đều biết.
Đó chính là những xung lực rất lớn, làm nên quyết tâm hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm khơi dậy mọi tiềm năng khởi nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung trên con đường hiện thực hóa khát vọng và những mục tiêu chiến lược về một nước Việt Nam Độc Lập-Tự Cường và thịnh vượng vào năm 2045.
Lương Bằng