Sáng 28/6, phát biểu tại Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam – Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ thành lập tổ công tác về thương mại và đầu tư để cùng Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động hợp tác thực chất, hiệu quả hơn.

Cần có tổ công tác chuyên biệt

Thủ tướng cho biết, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm 2022, lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác lập quan hệ hợp tác trên tinh thần đối tác toàn diện trong thời đại mới.

Chính vì vậy cần phải có những đổi mới cả tư tưởng chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ chế vận hành; cần có tổ công tác chuyên biệt về các vấn đề thỏa thuận cấp cao; làm sao để hợp tác đầu tư, thương mại đi vào chiều sâu, thực chất hiệu quả, đóng góp thiết thực cho mối quan hệ "vừa đồng chí, vừa anh em" của hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng thông tin thêm một số yếu tố nền tảng thúc đẩy phát triển của Việt Nam để các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam có lựa chọn chính xác hơn.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Muốn thực hiện được các mục tiêu này, Việt Nam phát triển dựa trên 3 trụ cột. Đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng nền kinh tế tế thị trường định hướng XHCN, lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực và mục tiêu của sự phát triển.

Đi đôi các chính sách quan trọng này là 3 đột phá chiến lược. Cụ thể là về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Cùng với đó là triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia và 6 quy hoạch vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết liên quan phát triển 6 vùng, phát huy lợi thế cạnh tranh từng vùng nhưng các vùng có sự kết nối với nhau. Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động để thể chế hóa các chủ trương này.

Thủ tướng cũng khẳng định: “Không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, muốn môi trường đầu tư ổn định thì phải ổn định chính trị, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, đảm bảo các lợi ích lâu dài của nhà đầu tư để họ có không gian đổi mới sáng tạo, tích cực phát triển đi lên.

“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì Việt Nam làm gì? Nếu khó khăn chúng tôi không tháo gỡ được thì làm sao doanh nghiệp tháo gỡ được. Vì vậy, chúng tôi phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thủ tướng khẳng định.

Thực hiện đúng các cam kết đầu tư

Thủ tướng khái quát lại một số nét lớn về tình hình Việt Nam và các định hướng giải pháp chủ yếu thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới.

Cụ thể, trong thời gian tới, Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc, hiệu quả, bền vững, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục phát huy tối đa khả năng, lợi thế của hai bên, sự năng động sáng tạo; thực hiện đúng các cam kết đầu tư.

Việt Nam đẩy mạnh thu hút và có chính sách khuyến khích thúc đẩy các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. Cùng với đó là thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững.

Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Đồng thời rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Việt Nam cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó phù hợp với các xu hướng mới…

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục phát huy tối đa khả năng, lợi thế của hai bên, sự năng động sáng tạo; thực hiện đúng các cam kết đầu tư.

“Chúng tôi đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh với tinh thần nói là làm, cam kết là thực hiện, đã làm và thực hiện thì phải ra hiệu quả, cân đong đo đếm được. Tất cả cùng thắng với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cam kết.

Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện chủ nghĩa đa phương, cùng thắng cùng có lợi 

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam là đồng chí tốt, chung vận mệnh vì hòa bình tiến bộ của nhân loại.

Ông Lưu Quốc Trung cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho đối tác chiến lược toàn diện hai nước. Hợp tác kinh tế, thương mại của hai nước ngày càng sâu sắc, phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm.

Năm tháng đầu năm kim ngạch thương mại Trung Quốc với Việt Nam chiếm ¼ trong ASEAN. Hợp tác đầu tư được thúc đẩy vững chắc; chuỗi cung ứng giữa hai nước rất chặt chẽ.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung

“Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn thứ 4 trong ASEAN. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư”, ông Lưu Quốc Trung thông tin Trung Quốc là đối tác hợp tác lớn nhất ASEAN của Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Trung Quốc, hiện nay, thế giới thay đổi nhanh hơn, Trung Quốc - Việt Nam thúc đẩy hợp tác thương mại lên trình độ cao hơn. Việc thúc đẩy kết nối phát triển hai bên có ý nghĩa quan trọng.

Trung Quốc cùng Việt Nam bàn bạc, xây dựng, cùng nhau đẩy nhanh kết nối vành đai và con đường. Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam phát huy đầy đủ hiệp định tự do Trung Quốc  - ASEAN.

Ông cũng cho hay, Trung Quốc và Việt Nam còn nhiều dư địa để hợp tác, phát triển chuỗi cung ứng và mong muốn Việt Nam tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện chủ nghĩa đa phương, cùng thắng cùng có lợi.

Thu Hằng (Từ Bắc Kinh, Trung Quốc)