Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chương trình được truyền hình, phát thanh trực tiếp là hoạt động đầu tháng cao điểm vì người nghèo năm 2019.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong suốt 74 năm qua, đặc biệt, trong gần 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện thực hóa chủ trương đó, tuy còn nhiều khó khăn nhưng bình quân mỗi năm, ngân sách Nhà nước dành khoảng 20% đầu tư hỗ trợ trực tiếp cũng như thông qua các chương trình, các dự án, chính sách cho mục tiêu giảm nghèo. Đặc biệt, đã triển khai mạnh mẽ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mục tiêu giảm nghèo bình quân từ 1 – 1,5% mỗi năm, ở vùng khó khăn là 4%/năm.

Từ năm 2000 đến nay, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ vì người nghèo gần 15.000 tỷ đồng và qua chương trình an sinh xã hội hơn 40.000 tỷ đồng. Các nguồn lực này đã cùng với Nhà nước xây dựng và sửa chữa hơn 1,5 triệu căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp hàng triệu người nghèo về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất, xây dựng hàng ngàn trường học, cầu dân sinh…

Công cuộc giảm nghèo ấn tượng nhất trên thế giới

Thủ tướng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ xấp xỉ 10%/năm vào năm 2015 đã giảm xuống còn khoảng 4%/năm vào cuối năm 2019. Tám huyện đã thoát nghèo, 160 xã và 1.300 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới trực tiếp tham gia khảo sát mức sống hộ ở Việt Nam qua nhiều năm và kết luận rằng, công cuộc giảm nghèo của chúng ta ấn tượng nhất trên thế giới.

“Bên cạnh hàng triệu người có cuộc sống ấm no thì cũng còn hàng nghìn, hàng vạn đồng bào của chúng ta đang chịu cảnh thiên tai, bão lũ, nhiều gia đình tang thương, mất người, mất nhà, bị đất đá vùi lấp hoặc nước lũ cuốn trôi. Có rất nhiều hộ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo rồi nay có thể tái nghèo”, Thủ tướng bày tỏ.

Chúng ta phải tiếp tục động viên và giúp đỡ họ một cách trách nhiệm, tình thương, chia sẻ và thiết thực. Nỗ lực giảm nghèo cần tiếp tục đẩy mạnh với sự kiên trì, bền bỉ khi vẫn còn hơn 2 triệu hộ nghèo và cận nghèo, còn 2.000 xã, gần 20.000 thôn, bản đặc biệt khó khăn, hàng vạn cháu nhỏ chưa đủ áo ấm, suy dinh dưỡng.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội đoàn kết, nhân ái để đồng hành cùng đồng bào thoát nghèo, vươn lên, có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn cả về vật chất và tinh thần.

Nhà nước tiếp tục ưu tiên nguồn lực nhưng rất cần sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, bên cạnh vai trò đồng hành, hỗ trợ không thể thiếu của các tổ chức, cá nhân, doanh nhân trong và ngoài nước.

Ảnh: VGP

“Nghĩ về đồng bào với những khó khăn, vất vả trong cuộc sống lại càng thôi thúc chúng ta phải tận tâm, tận lực, làm hết mình để quyết tâm đưa đất nước vươn lên, trở thành quốc gia thu nhập cao, nhân dân được ấm no, hành phúc, sống trong xã hội dân chủ, công bằng, nhân ái, văn minh”, Thủ tướng phát biểu.

Dẫn 2 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Thương nhau chia củ sắn lùi. Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, Thủ tướng mong muốn “chúng ta cùng tiếp tục hành động cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thủ tướng đề nghị “tất cả quý vị và đồng bào ta đang theo dõi chương trình hãy cầm điện thoại soạn VNN n gửi 1408 (n là số lần ủng hộ 20.000 đồng), mỗi tin nhắn, một tấm lòng vì người nghèo”.

Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, qua chương trình cả nước chung tay vì người nghèo năm 2019, đến giờ này các tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ ở Trung ương và địa phương gần 900 tỷ đồng.

Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, trong thời gian tới, Quỹ vì người nghèo của TƯ sẽ triển khai hỗ trợ xây dựng 1.000  căn nhà cho người nghèo tại một số tỉnh biên giới miền núi và vùng thường xuyên bị thiên tai, đồng thời hỗ trợ cho các em học sinh nghèo có điều kiện được tiếp tục tới trường và chăm lo các hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý năm 2020.

“Mỗi ngôi nhà nở hoa là mỗi trái tim nở hoa; khi tình yêu thương, sự chia sẻ được lan tỏa, tình yêu thương, sự ấm áp sẽ đến với mọi người" là một trong những nội dung và cũng là tiêu chí cho hoạt động của chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo năm nay.

Qua chương trình, khán giả được biết về những câu chuyện đầy xúc động về các hoàn cảnh khó khăn và tinh thần thoát nghèo.

Đó là câu chuyện của bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi) ở Thanh Hóa, 2 năm liền cụ viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo. Hay 383 lá đơn xin thoát nghèo ở Con Cuông, Nghệ An. Những câu chuyện này cho thấy hành trình thoát nghèo - bên cạnh sự hỗ trợ, chung tay của cả cộng đồng, xã hội - yếu tố chính là sự nỗ lực của chính người nghèo.

Đó là câu chuyện của ông Bùi Công Hiệp ở Quận 9, TP.HCM. Ông Hiệp đã hiến tặng cả gia tài gồm 1 ngôi nhà và 2.500m2 đất trị giá hơn 100 tỷ đồng để xây mái ấm cho những trẻ bị bỏ rơi. Ông Hiệp hiện là bố của 88 đứa con...

50.000 tỉ đồng vì người nghèo và lệnh của Thủ tướng

50.000 tỉ đồng vì người nghèo và lệnh của Thủ tướng

Việc tiếp nhận ủng hộ và chi tiêu tiền hỗ trợ người nghèo đều công khai, minh bạch và không ai được phép gian lận 1 cắc, 1 hào. Đó là lệnh của Thủ tướng.

Theo VGP